Kể từ bản cập nhật ngành Dầu khí gần nhất của chúng tôi vào tháng 11/2024, căng thẳng thương mại đã leo thang đáng kể. Vào tháng 4/2025, Tổng thống Trump đã áp đặt mức thuế đối ứng lên tới 145% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc (so với mức thuế dự kiến trước đó là 60%) và thuế 10% đối với hàng nhập khẩu của Mỹ từ hơn 90 quốc gia khác (trong một động thái tạm dừng thuế sau khi áp mức thuế rất cao đối với các đối tác thương mại). Để đáp trả lại mức thuế cao từ Mỹ, Trung Quốc nhanh chóng tăng thuế đối với hàng hóa Mỹ lên 125%, làm gia tăng căng thẳng của cuộc chiến thương mại. Diễn biến này đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc chiến thương mại toàn cầu. Vào ngày 22/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2025 xuống 2,8%, từ mức 3,3% trong dự báo tháng 1. Tổ chức này cũng hạ dự báo tốc độ tăng trưởng toàn cầu năm 2026 xuống 3,0% từ mức 3,3% trước đó. Bên cạnh đó, IMF đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu 1,5% xuống 1,7%, bằng một nửa mức tăng trưởng của năm 2024, phản ánh sự phân mảnh ngày càng tăng của nền kinh tế toàn cầu. Những yếu tố này có tác động tiêu cực đối với nhu cầu dầu toàn cầu.
Chúng tôi điều chỉnh giảm 7% dự báo giá dầu Brent trung bình năm 2025 xuống 65 USD/thùng (-18% YoY), theo sau Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) và OPEC hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu năm 2025 trung bình 0,7 triệu thùng/ngày trong báo cáo tháng 4/2025 so với báo cáo tháng 11/2024 (trang 9). Mặc dù OPEC+ đã gia hạn cắt giảm sản lượng từ cuối năm 2025 đến cuối năm 2026 cũng như đưa ra các đợt cắt giảm bù mới, tổng cộng khoảng 1 triệu thùng/ngày cho năm 2025, nhưng việc sản lượng tăng từ Mỹ (+0,3 triệu thùng/ngày) và khả năng sản lượng tăng cao hơn từ các nước ngoài OPEC khác có khả năng đẩy nguồn cung vượt cầu. EIA dự báo thặng dư ổn định 0,5–0,7 triệu thùng/ngày trong giai đoạn 2025–2026, so với thị trường cân bằng cung cầu trong năm 2024 (trang 7).
Trong dài hạn, chúng tôi cũng hạ dự báo giá dầu Brent giai đoạn 2026-2029 xuống 65 USD/thùng. Điều này phản ánh tác động tiềm ẩn của thuế quan cao hơn sau các cuộc đàm phán (nhưng thấp hơn các đề xuất ngày 2/4), có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và giảm nhu cầu dầu. Ngoài ra, khi thế giới đang chuyển đổi sang năng lượng sạch, có thể có thêm rủi ro giảm tiềm ẩn đối với dự báo nhu cầu dầu.
Powered by Froala Editor