toggle icon
logo text
logo symbol
toggle icon
Quay lại

PLX - Thách thức ngắn hạn do giá dầu biến động; Triển vọng dài hạn tích cực nhờ khả năng áp dụng điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường - Báo cáo ĐHCĐ

Phân tích doanh nghiệp

25/04/2025

  • Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (PLX) vào ngày 25/04. Nhìn chung, ban lãnh đạo đã thể hiện quan điểm thận trọng trong ngắn hạn do giá dầu biến động mạnh. Dù vậy, công ty vẫn cam kết sẽ duy trì đà tăng trưởng sản lượng bán và tiếp tục thúc đẩy các biện pháp tiết kiệm chi phí.
  • Cổ đông đã thông qua kế hoạch LNTT năm 2025 ở mức khá thận trọng là 3,2 nghìn tỷ đồng (-19% so với kết quả năm 2024, tương đương 68% dự báo năm 2025 của chúng tôi). Sự thận trọng này xuất phát từ việc kế hoạch năm 2025 được xây dựng dựa trên cơ sở phần còn lại của kế hoạch 5 năm (2021–2025). Trong khi đó, LNTT thực tế các năm 2023/2024 đều lần lượt cao hơn 22% và 37% so với kế hoạch của công ty.
  • PLX cho biết KQKD quý 1/2025 bị ảnh hưởng bởi đà giảm mạnh của giá dầu sau khi Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng, và mặc dù ban lãnh đạo nhận thấy giá dầu sẽ tiếp tục biến động, nhưng công ty vẫn cam kết sẽ hoàn thành tốt mục tiêu cả năm thông qua các biện pháp tiết kiệm chi phí.
  • Cổ đông đã thông qua phương án điều chỉnh tăng cổ tức tiền mặt năm 2024 lên mức 1.200 đồng/cổ phiếu (lợi suất 3,6%), cao hơn so với mức kế hoạch trước đó là 1.000 đồng nhưng vẫn thấp hơn dự báo hiện tại của chúng tôi là 1.500 đồng/cp. Cổ đông cũng thông qua tỷ lệ cổ tức năm 2025 là 10% (chưa xác định là tiền mặt hay cổ phiếu), so với dự báo của chúng tôi là 2.000 đồng/cổ phiếu – tương đương với mức trung bình lịch sử 9 năm qua của PLX (2.000 đồng/cổ phiếu, giao động trong khoảng từ 700–3.200 đồng/cổ phiếu).
  • PLX cho biết dự thảo nghị định xăng dầu (đang được Bộ Công Thương rà soát lần cuối) hiện đề xuất chuyển đổi sang cơ chế định giá theo thị trường, qua đó cho phép các doanh nghiệp phân phối lớn tự thiết lập giá bán lẻ dựa trên chi phí thực tế. Chúng tôi cho rằng thay đổi này là bước tiến tích cực hơn so với dự thảo tháng 8/2024 khi loại bỏ các quy định về giá trần và lợi nhuận định mức.
  • PLX hiện đang triển khai kế hoạch tái cấu trúc, với mục tiêu thoái vốn hoàn toàn khỏi Petrolimex Lào và giảm tỷ lệ sở hữu của công ty tại PLC xuống tối đa 51% trước cuối năm 2025 (quyết định cuối cùng về việc thoái vốn hay tăng vốn tại PLC dự kiến sẽ được công bố trong quý 2/2025). 
  • Quan điểm của chúng tôi: Chúng tôi nhận thấy rủi ro điều chỉnh giảm đối với dự báo lợi nhuận của chúng tôi do KQKD quý 1/2025 có khả năng sẽ ở mức thấp sau sự sụt gảm mạnh của giá dầu, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

1. Kế hoạch kinh doanh thận trọng với LNTT dự kiến giảm 19% YoY trong năm 2025

- Sản lượng bán: Tổng sản lượng bán (bao gồm cả tái xuất khẩu) dự kiến đạt 17,0 triệu tấn trong năm 2025 (+8% so với kết quả năm 2024, +31% so với kế hoạch năm 2024, và tương đương 105% dự báo của chúng tôi). Mục tiêu này nhìn chung phù hợp với dự báo tăng trưởng nhu cầu xăng dầu Việt Nam ở mức 8% trong 2025 của Bộ Công Thương. Trong giai đoạn 2014–2024, sản lượng bán thực tế của PLX cao hơn trung bình 8% so với kế hoạch kinh doanh ban đầu của công ty. Sản lượng bán sơ bộ trong nước trong giai đoạn 4 tháng đầu năm 2025 ước tính đạt 3,70 triệu tấn (+4,8% YoY), hoàn thành 33% dự báo cả năm của chúng tôi – phù hợp với dự báo của chúng tôi. Chúng tôi hiện nhận thấy không có thay đổi đáng kể đối với dự báo sản lượng của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

- Doanh thu: 248 tỷ đồng (-13% so với kết quả năm 2024; +32% so với kế hoạch năm 2024; tương đương 96% dự báo năm 2025 của chúng tôi). Chúng tôi cho rằng PLX đã giả định mức giá dầu thấp hơn trong quá trình lập kế hoạch, qua đó gây ảnh hưởng đến giá bán trung bình, và làm giảm tác động tích cực từ mức tăng của sản lượng bán.

- LNTT: PLX đặt kế hoạch LNTT năm 2025 đạt 3,2 nghìn tỷ đồng (-19% so với kết quả năm 2024; +10% so với kế hoạch năm 2024; tương đương 68% dự báo năm 2025 của chúng tôi). Mặc dù công ty kỳ vọng rằng chi phí vận hành sẽ giảm 20% và sản lượng bán tăng 8%, nhưng ban lãnh đạo giải thích rằng kế hoạch năm 2025 sẽ được xây dựng dựa trên phần còn lại của kế hoạch 5 năm (2021–2025), qua đó khiến cho kế hoạch trở lên cứng nhắc về mặt số liệu. Đáng chú ý, LNTT thực tế các năm 2023 và 2024 đều lần lượt đạt mức cao hơn 22% và 37% so với kế hoạch của công ty. 

2. KQKD sơ bộ quý 1/2025 và triển vọng ngắn hạn kém khả quan

- PLX cho biết KQKD sơ bộ quý 1/2025 đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự sụt giảm mạnh của giá dầu. Mặc dù chưa công bố số liệu cụ thể, nhưng ban lãnh đạo đã công bố rằng sau thông báo về chính sách thuế đối ứng của Mỹ vào ngày 02/04, giá dầu Brent đã giảm mạnh từ mức 75 USD/thùng xuống mức dưới 60 USD/thùng vào ngày 8/4 – tương đương với mức giảm 20%. Mức sụt giảm bất ngờ này đã gây thiệt hại ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng đối với doanh thu của PLX trong kỳ điều chỉnh giá bán lẻ ngày 10/4, và thiệt hại thêm khoảng 300 tỷ đồng trong kỳ điều chỉnh ngày 17/4, do hàng tồn kho bị bán ra với giá thấp hơn so với giá vốn.

- Đối với phần còn lại của năm 2025, ban lãnh đạo nhấn mạnh rằng giá dầu sẽ tiếp tục biến động mạnh. Các tín hiệu toàn cầu trái chiều, đặc biệt là phản ứng trước căng thẳng thương mại Mỹ–Trung, đã tạo ra tình trạng bất ổn trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Mặc dù công ty cho rằng năm 2025 là một năm có rủi ro cao về biến động giá dầu, PLX vẫn giữ nguyên cam kết sẽ hoàn thành kế hoạch cả năm thông qua các biện pháp tiết kiệm chi phí.

3. Cập nhật đề xuất đối với nghị định mới: Chuyên dịch hướng đến cơ chế giá thị trường

- Tình trạng pháp lý: Dự thảo nghị định hiện vẫn đang được Bộ Công Thương xem xét, đồng thời thu thập ý kiến từ các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn và Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

- Cơ chế giá bán lẻ: PLX nhấn mạnh sự chuyển đổi lớn sang cơ chế định giá theo thị trường. Theo nghị định hiện hành, tất cả các doanh nghiệp đầu mối hiện bán hàng theo giá cơ sở do Nhà nước quy định. Theo dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu mới nhất (dựa trên ý kiến của Thường trực Chính Phủ ngày 13/4 và đang được Bộ Công Thương xem xét và đánh giá). Nhà nước sẽ chỉ công bố công thức tính giá, giá tham chiếu quốc tế, mức premium và chi phí hoạt động định mức. Các doanh nghiệp sẽ tự tính toán và công bố giá bán lẻ của mình dựa trên chi phí đầu vào thực tế và các yếu tố liên quan khác.

- Tăng cường giám sát: Dự thảo yêu cầu các doanh nghiệp phải cập nhật dữ liệu tồn kho và giao dịch với Bộ Công Thương nhằm ngăn chặn giao dịch ảo hoặc bất hợp pháp. Ngoài ra, tất cả cửa hàng xăng dầu bắt buộc phải thực hiện xuất hóa đơn điện tử trước ngày 30/4/2025; những doanh nghiệp không tuân thủ có thể sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh. PLX cho rằng đây là bước tiến tích cực, giúp tạo môi trường minh bạch và công bằng hơn, mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

- Quan điểm của chúng tôi: Phiên bản dự thảo này nhìn chung khả quan hơn so với giả định trước đây của chúng tôi theo dự thảo tháng 8/2024, dù cần thêm đánh giá chi tiết.

4. Cập nhật kế hoạch tái cấu trúc của Petrolimex

- Thoái vốn khỏi Petrolimex Lào: PLX hiện đang trong quá trình thoái toàn bộ 100% vốn tại Petrolimex Lào. Phiên đấu giá đầu tiên vào ngày 08/04 đã không thành công. Phiên đấu giá thứ hai dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 08/05, với mục tiêu hoàn tất quá trình thoái vốn vào cuối năm 2025.

- Thoái vốn khỏi PLC: PLX đặt kế hoạch sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC) từ 79,07% xuống tối đa 51% vào cuối năm 2025. Nhóm đại diện cho cổ phần của PLX tại PLC đã được giao nhiệm vụ xây dựng các phương án thoái vốn. Phương án tăng vốn cũng đang được xem xét như một lựa chọn thay thế. Cả hai phương án đều nhằm mục tiêu thu hút nhà đầu tư chiến lược, với quyết định cuối cùng dự kiến sẽ được công bố vào quý 2/2025.

Powered by Froala Editor

Tư vấn nhanh và chính xác nhất, gọi ngay: (+84) 2 8888 2 6868

/en/research-center/plx-short-term-headwinds-amid-oil-price-volatility-bright-long-term-outlook-with-potential-market-determined-pricing-agm-note