Không thể phủ nhận việc niêm yết chứng khoán (Listing of Securities) trên sàn giao dịch chứng khoán là bước ngoặt quan trọng đối với cả các công ty đang cần vốn và các cổ đông hay các nhà đầu tư mới. Ngoài vai trò là một sự kiện giao dịch, việc niêm yết còn có ý nghĩa trong việc thúc đẩy mở rộng kinh tế, nâng cao mức độ minh bạch và duy trì các nguyên tắc công bằng và hiệu quả trên thị trường tài chính.
Mặc dù quá trình niêm yết chứng khoán có nhiều thách thức và quy định pháp luật cần tuân thủ, nhưng những lợi ích mang lại cho các tổ chức phát hành, nhà đầu tư và nền kinh tế nói chung là không thể chối cãi. Vì thế, bài viết này Vietcap sẽ giới thiệu các thông tin liên quan đến việc Niêm yết chứng khoán (Listing of Securities) là gì? Để dành cho những ai quan tâm theo dõi nhé.
Niêm yết chứng khoán (Listing of Securities) là gì?
Niêm yết chứng khoán, đây là việc đưa cổ phiếu của một công ty lên giao dịch (trading) tại một sở giao dịch tập trung (stock exchange) nào đó. Việc này được gọi đầy đủ là stock exchange listing hay Listing of Securities
Theo Khoản 24 Điều 4 Luật chứng khoán số 54/2019/QH14 ngày 26 tháng 11 năm 2019 quy định về khái niệm niêm yết chứng khoán như sau:
“Niêm yết chứng khoán là việc đưa chứng khoán có đủ điều kiện niêm yết vào giao dịch trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán niêm yết.”
Có thể hiểu niêm yết chứng khoán là quá trình định danh các chứng khoán đáp ứng đủ tiêu chuẩn được giao dịch trên SGDCK. Cụ thể, đây là quá trình SGDCK chấp thuận cho công ty phát hành có chứng khoán được phép niêm yết và giao dịch trên SGDCK nếu công ty đó đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về định lượng cũng như định tính mà SGDCK đề ra.
Niêm yết chứng khoán thường bao hàm việc yết tên tổ chức phát hành và giá chứng khoán. Hoạt động niêm yết đòi hỏi phải đảm bảo sự tin cậy đối với thị trường cho các nhà đầu tư. Cụ thể, các công ty xin niêm yết phải có đáp ứng được các điều kiện để niêm yết. Điều kiện này được quy định cụ thể trong quy chế về niêm yết chứng khoán do SGDCK ban hành. Thông thường, có hai quy định chính về niêm yết là yêu cầu về “công bố thông tin của công ty” và “tính khả mại” của các chứng khoán.
Các nhà đầu tư và công chúng phải nắm được đầy đủ các thông tin và có cơ hội nắm bắt thông tin do công ty phát hành công bố ngang nhau, đảm bảo sự công bằng trong tiếp nhận thông tin, kể cả các thông tin mang tính chất định kỳ hoặc thông tin thức thời có tác động đến giá cả, khối lượng chứng khoán giao dịch.
Điều kiện để các công ty được niêm yết chứng khoán
Căn cứ theo quy định tại Điều 109 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định về các điều kiện về niêm yết cổ phiếu, cụ thể như sau:
Vốn điều lệ
Công ty phát hành chứng khoán phải có mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm thực hiện đăng ký chào bán đạt tối thiểu 30 tỷ Việt Nam đồng tính theo giá trị được ghi trên sổ kế toán, đối với sàn Upcom thì vốn điều lệ là 10 tỷ đồng – dựa theo Điều 15 quy định tại Luật chứng khoán 2019.
Cơ cấu cổ đông của công ty
– Việc quyết định niêm yết chứng khoán trên sàn phải được sự thông qua của Đại Hội đồng cổ đông công ty đó.
– Ít nhất 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết được nắm giữ bởi tối thiểu 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn của công ty. Trong trường hợp vốn điều lệ của Công ty phát hành lớn hơn 1000 tỷ Việt Nam đồng thì tỷ lệ này tối thiểu là 10%.
– Các cổ công lớn của công ty sẽ phải lập cam kết cùng nhau nắm giữ tối thiểu 20% vốn điều lệ của công ty phát hành trong ít nhất một năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Ngoài ra, công ty có yêu cầu niêm yết cổ phiếu cũng phải cam kết sẽ thực hiện niêm yết và đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch của sàn chứng khoán.
Một số điều kiện khác mà công ty phát hành chứng khoán cần thực hiện: Đăng ký niêm yết cổ phiếu hợp lệ theo quy định của pháp luật; tư vấn thủ tục đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng; mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán
Lợi thế của doanh nghiệp khi trở thành công ty niêm yết
Mặc dù quá trình và yêu cầu niêm yết chứng khoán có nhiều quy định pháp luật cần tuân thủ, phức tạp và khó khăn, nhưng việc niêm yết vẫn là một sự một mục tiêu khao khát chinh phục của đại đa số các doanh nghiệp đang hướng tới là bởi những lợi ích to lớn của việc niêm yết như:
Tiếp cận kênh huy động vốn dài hạn
Khi tham gia niêm yết cổ phiếu trên TTCK, doanh nghiệp có thể huy động vốn một cách nhanh chóng, thuận tiện, dễ dàng từ việc phát hành cổ phiếu dựa trên tính thanh khoản cao và uy tín của doanh nghiệp được niêm yết trên thị trường. Huy động theo cách này, doanh nghiệp không phải thanh toán lãi vay cũng như phải trả vốn gốc giống như việc vay nợ, từ đó sẽ rất chủ động trong việc sử dụng nguồn vốn huy động được cho mục tiêu và chiến lược dài hạn của mình. Đây được coi là yếu tố quan trọng nhất khi quyết định niêm yết cổ phiếu trên TTCK.
Khuếch trương uy tín của doanh nghiệp
Để được niêm yết chứng khoán, doanh nghiệp phải đáp ứng được những điều kiện chặt chẽ về mặt tài chính, hiệu quả sản xuất - kinh doanh cũng như cơ cấu tổ chức... Do đó, những công ty được niêm yết trên thị trường thường là những công ty có hoạt động sản xuất - kinh doanh tốt. Thực tế đã chứng minh, niêm yết chứng khoán là một trong những cách thức quảng cáo tốt cho doanh nghiệp, từ đó thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, tìm kiếm đối tác…
Tạo tính thanh khoản cho cổ phiếu của doanh nghiệp
Khi doanh nghiệp niêm yết trên TTCK sẽ giúp các cổ đông của doanh nghiệp dễ dàng chuyển nhượng cổ phiếu đang nắm giữ, qua đó tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu.
Gia tăng giá trị thị trường của doanh nghiệp
Xét về dài hạn, giá cổ phiếu của doanh nghiệp niêm yết thường tăng so với mức giá tại thời điểm trước khi niêm yết.
Áp lực của các công ty niêm yết
Chi phí niêm yết khá tốn kém: để chứng khoán có thể niêm yết được, doanh nghiệp phải bỏ ra rất nhiều khoản chi phí như hội họp, thuê tư vấn, kiểm toán, chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ, quảng cáo...
Áp lực đối với lãnh đạo doanh nghiệp về kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh: tổ chức niêm yết luôn phải chịu áp lực giám sát của xã hội, áp lực phải nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh nhằm duy trì và tăng giá cổ phiếu trên TTCK và những người đứng đầu doanh nghiệp hiển nhiên sẽ chịu áp lực lớn nhất.
Quyền kiểm soát có thể bị đe doạ: khi niêm yết, việc giao dịch chứng khoán khiến cơ cấu cổ đông thường thay đổi, dẫn đến sự biến đổi và bất ổn định trong quá trình quản lý doanh nghiệp và có thể đe dọa đến quyền kiểm soát của các cổ đông lớn.
Chịu nhiều nghĩa vụ công bố thông tin và các ràng buộc khác: khi niêm yết chứng khoán, doanh nghiệp phải công bố ra bên ngoài các thông tin như số lượng chứng khoán do các nhân vật chủ chốt nắm giữ; thông tin về tình hình tài chính, doanh thu, chi phí, định hướng, chiến lược phát triển... điều này đòi hỏi nguồn lực về tài chính và con người. Mặt khác, chính việc công bố này đôi khi cũng bất lợi cho doanh nghiệp, khi đối thủ cạnh tranh nắm được thông tin.
Phân loại niêm yết chứng khoán
– Niêm yết lần đầu (Initial Listing): Niêm yết lần đầu là việc cho phép chứng khoán của tổ chức phát hành được đăng ký niêm yết giao dịch chứng khoán lần đầu tiên sau khi phát hành ra công chúng (IPO) khi tổ chức phát hành đó đáp ứng được các tiêu chuẩn về niêm yết.
– Niêm yết bổ sung (Additional Listing): Niêm yết bổ sung là quá trình chấp thuận của Sở giao dịch chứng khoán cho một công ty niêm yết được niêm yết các cổ phiếu mới phát hành với mục đích tăng vốn hay vì các mục đích khác như sáp nhập, chi trả cổ tức, thực hiện các trái quyền hoặc thực hiện các trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu…
– Thay đổi niêm yết (Change Listing): Thay đổi niêm yết phát sinh khi công ty niêm yết thay đổi tên chứng khoán giao dịch, khối lượng, mệnh giá hoặc tổng giá trị chứng khoán được niêm yết của mình.
– Niêm yết lại (Relisting): Là việc cho phép một công ty phát hành được tiếp tục niêm yết trở lại các chứng khoán trước đây đã bị huỷ bỏ niêm yết vì các lí do không đáp ứng được các tiêu chuẩn duy trì niêm yết.
– Niêm yết toàn phần và niêm yết từng phần (Dual Listing & Partial listing):
+ Niêm yết toàn phần là việc niêm yết tất cả các cổ phiếu sau khi đã phát hành ra công chúng trên một Sở giao dịch chứng khoán trong nước hoặc nước ngoài.
+ Niêm yết từng phần là việc niêm yết một phần trong tổng số chứng khoán đã phát hành ra công chúng của lần phát hành đó, phần còn lại không hoặc chưa được niêm yết.
+ Niêm yết từng phần thường diễn ra ở các công ty lớn do Chính phủ kiểm soát, phần chứng khoán phát hành ra thị trường do các nhà đầu tư cá nhân nắm giữ được niêm yết, còn phần nắm giữ của Chính phủ hoặc tổ chức đại diện cho Chính phủ nắm giữ không được niêm yết.
Vietcap tự hào là đơn vị thực hiện đa số các thương vụ IPO lớn nhất Việt Nam. Kinh nghiệm chuyên sâu cùng các phương án cấu trúc hiệu quả của chúng tôi giúp các thương vụ đảm bảo tuân thủ pháp luật và rút ngắn thời gian thực hiện.
Các nhà đầu tư có thể liên hệ với tư vấn viên của Vietcap hoặc tham khảo thêm nhiều bài viết hay khác trên Vietcap Academy.
Powered by Froala Editor