Hướng dẫn

Chứng quyền có đảm bảo (Covered Warrant - CW) là gì?

Chứng quyền có bảo đảm là chứng khoán có tài sản đảm bảo do công ty chứng khoán phát hành, cho phép người sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc được quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở cho tổ chức phát hành chứng quyền đó theo một mức giá đã được xác định trước, tại hoặc trước một thời điểm đã được ấn định, hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.

Có hai loại chứng quyền có bảo đảm: chứng quyền mua và chứng quyền bán

  • Chứng quyền mua là loại chứng quyền mà người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số lượng chứng khoán cơ sở theo mức giá thực hiện hoặc nhận khoản tiền chênh lệch khi giá của chứng khoán cơ sở cao hơn giá thực hiện tại thời điểm thực hiện.
  • Chứng quyền bán là loại chứng quyền mà người sở hữu chứng quyền được quyền bán một số lượng chứng khoán cơ sở theo mức giá thực hiện hoặc nhận khoản tiền chênh lệch khi giá của chứng khoán cơ sở thấp hơn giá thực hiện tại thời điểm thực hiện.

Hiện tại, thị trường chứng quyền ở Việt Nam, nhà đầu tư chỉ có thể mua bán chứng quyền mua.

Mỗi CW có một mã giao dịch riêng tương tự như cổ phiếu, được quy ước theo quy tắc nhất định bao gồm các thông tin:

[C][Mã chứng khoán][Thời gian][Thứ tự phát hành]

Ví dụ: Chứng quyền có mã CHPG2102. Trong đó: “C” là ký tự cho biết đây là CW, HPG là chứng khoán cơ sở được chọn làm tài sản hoán đổi, “21” là năm phát hành (2021) và “02” là đợt phát hành thứ 2 cho mã HPG (trước đó HPG đã có tổ chức phát hành CW).

 

Powered by Froala Editor

Nhà đầu tư có thể mua chứng quyền có đảm bảo (CW) theo 2 cách

  • Mua trên thị trường sơ cấp: đăng ký mua trực tiếp từ tổ chức phát hành khi CW được phát hành lần đầu tiên ra công chúng (IPO)
  • Mua trên thị trường thứ cấp: mua trên sàn giao dịch sau khi CW niêm yết.

Việc mua bán CW trên thị trường thứ cấp tương tự với giao dịch mua bán chứng khoán cơ sở. NĐT không cần phải mở tài khoản giao dịch CW mà dùng chính tài khoản chứng khoán cơ sở của mình để giao dịch. NĐT có thể mua bán lại cho nhà đầu tư khác qua sàn giao dịch hoặc chờ đến ngày chứng quyền đáo hạn, tổ chức phát hành sẽ hạch toán lời lỗ và thanh toán cho NĐT.



1- Thủ tục mua IPO CW tại Vietcap

Trước khi thực hiện IPO một chứng quyền có đảm bảo, Cty CP Chứng Khoán Vietcap sẽ có thông báo đến NĐT tại website công ty (tại đây) NĐT có thể theo dõi và đăng ký tham gia mua CW thông qua các bược sau:

Bước 1: Đăng ký mua chứng quyền

Cách 1: Qua phần mềm giao dịch V-Pro (xem hướng dẫn tại đây)

Cách 2: Điền form đăng ký gửi cho nhân viên Môi giới hỗ trợ

Tải và điền mẫu giấy "Đăng ký mua chứng quyền có đảm bảo"

Bước 2: Chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng mà Vietcap yêu cầu 

NĐT nên xem kỹ trên nội dung thông báo phát hành chứng quyền của tổ chức phát hành, sẽ có thông tin quan trọng

  • Thời gian nhận đăng ký CW
  • Số tài khoản ngân hàng nhận đăng ký mua CW: số tài khoản này là khác nhau với CW khác nhau.
  • Thời gian nhận tiền đăng ký mua CW: ngoài thời gian này Vietcap sẽ không thể xác nhận cho NĐT.

 Nếu chuyển sai số tài khoản hoặc sai nội dung có thể làm việc mua CW không thành công.

Bước 3: Nhận thông báo mua CW từ Vietcap

Vietcap sẽ thông báo việc đặt mua IPO của nhà đầu tư thành công hay không.

Bước 4: Nhận giấy chứng nhận sở hữu CW và thực hiện lưu ký CW

Nếu NĐT có mở tài khoản tại Vietcap , thì Vietcap sẽ thực hiện lưu ký CW vào tài khoản cho NĐT.

Nếu NĐT muốn lưu ký CW tại tài khoản tại công ty chứng khoán khác thì Vietcap sẽ cấp giấy chứng nhận sở hữu CW để NĐT làm thủ tục lưu ký.



2- Giao dịch CW sau khi niêm yết 

Việc mua bán CW giống như chứng khoán cơ sợ nên NĐT tham khảo cách đặt lệnh qua App/ web giao dịch (Tại đây)

Thời gian giao dịch và các phiên đóng cửa, mở cửa sẽ tương tự như thời gian giao dịch cổ phiếu trên HOSE, với khối lượng giao dịch tối thiểu là 10 CW.

Thời gian thanh toán: Bù trừ đa phương, T+2

Giá tham chiếu: Giá đóng cửa phiên giao dịch hôm trước sẽ là giá tham chiếu cho phiên giao dịch hôm sau.

Giá trần/sàn của CW:  được xác định theo công thức sau:

Giá trần/sàn CW = Giá tham chiếu CW +/- (Giá CKCS*Biên độ dao động) / Tỷ lệ chuyển đổi




1 - Lợi ích

  • Tỷ suất sinh lợi cao: Do các tính giá trần sàn của CW giúp CW có biên độ dao động giá lớn, về lý thuyết giá CW có thể biến động 100%-200% hoặc hơn trong 1 ngày. 
  • Xác định mức lỗ tối đa, lãi không giới hạn: nếu như giá chứng khoán cơ sở không đi theo dự kiến thì nhà đầu tư chỉ chịu lỗ tối đa bằng với phần phí mua chứng quyền. Phần phí này chỉ bằng 7%-15% giá mua CKCS.
  • Giao dịch dễ dàng, tương tự như chứng khoán cơ sở: nhà đầu tư có thể mua bán chứng quyền trên tài khoản chứng khoán cơ sở mà không cần mở tài khoản mới. NĐT không cần mở tài khoản Chứng khoán tại CTCK phát hành CW vẫn có thể giao dịch được CW đó trên sàn.
  • Vốn đầu tư thấp so với mua chứng khoán cơ sở: thay vì phải bỏ ra một số tiền lớn để mua chứng khoán cơ sở, nhà đầu tư có thể mua chứng quyền với mức vốn bỏ ra chỉ bằng một phần nhỏ (7%-15%).
  • Không giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài: thanh toán tại ngày đáo hạn bằng tiền mặt do đó nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia mua chứng quyền của những cổ phiếu đã hết room.

 


2 - Rủi ro

  • Mất phí mua chứng quyền: nếu như tại ngày đáo hạn giá thanh toán (bình quân 5 phiên giao dịch cuối cùng trước ngày đáo hạn) nhỏ hơn hoặc bằng giá thực hiện chứng quyền đối với chứng quyền mua thì nhà đầu tư sẽ không được nhận thanh toán chênh lệch và mất toàn bộ phần phí mua chứng quyền.
  • Biến động mạnh theo giá chứng khoán cơ sở: do chứng quyền có đòn bẩy cao nên giá chứng quyền biến động mạnh theo giá chứng khoán cơ sở. 
  • Vòng đời giới hạn: tại thời điểm đáo hạn nhà đầu tư sẽ nhận được phần lãi chênh lệch (nếu có) từ Tổ chức phát hành CW. Sau đáo hạn, CW sẽ không còn niêm yết trên sàn chứng khoán và không còn giá trị.
  • Tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán:Tổ chức phát hành có nghĩa vụ bắt buộc thanh toán phần chênh lệch lãi cho nhà đầu tư tại thời điểm đáo hạn do đó nhà đầu tư chịu rủi ro không nhận được phần này nếu tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán. Để bảo vệ nhà đầu tư, Ủy ban chứng khoán đưa ra quy định phòng ngừa rủi ro và đặt cọc thanh toán như sau: Tổ chức phát hành phải mua vào chứng khoán cơ sở để phòng ngừa rủi ro giá lên cho chứng quyền mua và phải đặt cọc 50% số tiền thu được từ phát hành chứng quyền.

 



1- Các thông số cần lưu ý khi chơi chứng quyền có đảm bảo

Thông tin

Ý nghĩa

Ví dụ

Tài sản cơ sở (TSCS)

Mã chứng khoán cơ sở (CKCS) mà tổ chức phát hành CW dùng làm tài sản phát hành CW

Cổ phiếu MWG

Tỷ lệ chuyển đổi

Số lượng CW tương đương với CKCS

5:1

Thời hạn chứng quyền

3 – 24 tháng

03 tháng

Ngày giao dịch cuối cùng

  • Hai (02) ngày trước ngày đáo hạn của CW
  • Sau ngày này, chứng quyền bị hủy niêm yết

15/12/2021

Ngày đáo hạn

Ngày cuối cùng hiệu lực của CW

17/12/2021

Phương thức giao dịch

Thời gian chứng quyền và tiền về tài khoản là T+2 như chứng khoán cơ sở


Giá chứng quyền

Khoản chi phí nhà đầu tư bỏ ra để sở hữu chứng quyền

4,000 đồng/CW

Giá thực hiện

Mức giá tương đương việc nhà đầu tư mua CKCS khi chứng quyền  đáo hạn

180.000 vnđ

Khối lượng niêm yết

Tổng CW trong đợt phát hành

1.000.000

Khối lượng lưu hành

Tổng CW trong đợt phát hành đang giao dịch

1.000.000



2- Các trạng thái đầu tư CW

  • NĐT Lãi:  Giá TSCS tại đáo hạn > Giá thực hiện + Giá mua CW
  • NĐT hòa vốn: Giá TSCS tại đáo hạn = Giá thực hiện + Giá mua CW
  • NĐT lỗ 1 phần: Giá thực hiện < Giá TSCS tại đáo hạn < Giá thực hiện + Giá mua CW
  • NĐT lỗ hoàn toàn: Giá TSCS tại đáo hạn < = Giá thực hiện

Theo ví dụ trên, tỷ lệ chuyển đổi CW của MWG là  5:1 nên 1 nhà đầu tư mua CW sẽ có giá vốn tại ngày đáo hạn là  (180.000 + 5 x 4000) = 200.000 vnd

  • NĐT Lãi:  Giá MWG tại đáo hạn > 200.000 VNĐ 
  • NĐT hòa vốn: Giá MWG tại đáo hạn = 200.000 VNĐ 
  • NĐT lỗ 1 phần: 180.000 VNĐ  < Giá MWG tại đáo hạn < 200.000 VNĐ 
  • NĐT lỗ hoàn toàn: Giá MWG tại đáo hạn < = 180.000 VNĐ



3- Các yếu tố ảnh hưởng giá CW

Giá thị trường của chứng khoán cơ sở và giá thực hiện quyền: là hai yếu tố quan trọng để xác định giá trị nội tại của chứng quyền. Mức độ chênh lệch của hai yếu tố này sẽ tác động trực tiếp đến giá CW.

Thời gian đáo hạn: thể hiện giá trị thời gian của CW, thời gian đáo hạn của CW càng dài thì giá trị của CW càng cao.

Biến động giá chứng khoán cơ sở: là mức độ dao động giá của chứng khoán cơ sở. Nếu chứng khoán cơ sở có biên độ dao động giá càng cao thì khả năng tạo ra lợi nhuận của nhà đầu tư càng lớn (có nghĩa là nhiều khả năng xảy ra chênh lệch giữa giá chứng khoán cơ sở và giá thực hiện quyền), do đó giá của CW cũng cao.

Lãi suất: Việc lãi suất tăng/giảm cũng tác động đến việc xác định giá của CW. Ví dụ: khi nhà đầu tư mua một chứng quyền mua, nhà đầu tư đã trì hoãn việc thanh toán giá thực hiện cho đến ngày đáo hạn. Việc trì hoãn này đã tiết kiệm cho nhà đầu tư một khoản tiền so với việc trực tiếp mua chứng khoán cơ sở và khoản tiết kiệm này được hưởng thu nhập từ lãi suất. Khi lãi suất tăng, khoản thu nhập của nhà đầu tư sẽ lớn hơn. Do đó, nhà đầu tư phải trả nhiều tiền hơn cho CW mua và ít hơn đối với CW bán.