toggle icon
logo text
logo symbol
toggle icon
Quay lại

VCB - Mục tiêu tăng trưởng LNTT thận trọng trong bối cảnh bất ổn thuế quan; tăng trưởng tín dụng tích cực trở lại - Báo cáo ĐHCĐ

Phân tích doanh nghiệp

28/04/2025

  • Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) tại Hà Nội vào ngày 26/4/2025. Nội dung chính bao gồm (1) đề xuất các mục tiêu kinh doanh năm 2025, (2) thông qua phương án phát hành riêng lẻ 6,5%, (3) phê duyệt kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2024. Phần thảo luận tập trung vào KQKD quý 1/2025 của VCB, triển vọng kinh doanh năm 2025, đánh giá rủi ro thuế quan của Mỹ, phát hành riêng lẻ, và VCB Neo.
  • Cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 của ngân hàng, bao gồm (1) tăng trưởng tổng tài sản 10% YoY, (2) tăng trưởng tiền gửi 8% YoY, (3) tăng trưởng tín dụng tối đa 16,28% thực hiện theo chỉ đạo của NHNN (bao gồm cả các khoản vay bán cho VCB Neo theo kế hoạch chuyển giao bắt buộc), (4) tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%, (4) tăng trưởng LNTT hợp nhất 3,5% YoY so với dự báo 15,1% của chúng tôi, (5) LNTT riêng lẻ là 42.734 tỷ đồng, điều chỉnh theo chỉ đạo của NHNN sau khi tham vấn Bộ Tài chính.
  • Cổ đông thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ tối đa 543,1 triệu cổ phiếu (6,5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành) cho các nhà đầu tư tổ chức (có thể bao gồm một số cổ đông hiện hữu). Kế hoạch có thể được thực hiện một hoặc nhiều đợt và sẽ được triển khai trong giai đoạn 2025-26.
  • Cổ đông thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 28% từ lợi nhuận giữ lại năm 2024.

Việc Mỹ áp thuế suất cao có thể ảnh hưởng đến VCB nhiều hơn so với các ngân hàng thương mại khác do tỷ trọng doanh thu lớn từ lĩnh vực thương mại. Theo ước tính, nếu hàng hóa Việt Nam bị áp mức thuế suất 10%, kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến sẽ giảm trên 10%. Trong trường hợp mức thuế suất tăng lên 46%, kim ngạch xuất nhập khẩu có thể giảm mạnh khoảng 55-56%.

VCB nắm giữ khoảng 20% thị phần thanh toán quốc tế (TTQT) và tài trợ thương mại (TTTM). Nhiều khách hàng của ngân hàng có hoạt động xuất khẩu sang thị trường Mỹ, tập trung ở các ngành như linh kiện điện tử, sản phẩm chế biến gỗ, dệt may, thủy hải sản, và nhựa... Đây đều là các nhóm hàng được đánh giá chịu nhiều ảnh hưởng từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ. So với các ngân hàng khác, VCB sở hữu danh mục khách hàng FDI lớn, chiếm hơn 20% tổng dư nợ bán buôn, 40% tổng huy động vốn và 50% doanh số TTQT - TTTM.

Để chuẩn bị ứng phó với rủi ro thuế quan, ngân hàng đã chủ động phối hợp với khách hàng để đánh giá tác động và xây dựng phương án ứng phó nhằm hạn chế tối đa tác động có thể xảy ra. Một số giải pháp cụ thể bao gồm (1) nghiên cứu hỗ trợ khách hàng chuyển dịch thị trường, (2) cung cấp hỗ trợ tài chính cho khách hàng bị ảnh hưởng và (3) kịp thời báo cáo các cơ quan quản lý để đề xuất các giải pháp phù hợp với từng ngành, từng trường hợp.

Ngoài ra, VCB cũng tích cực tham gia vào các giải pháp tổng thể của Chính phủ đề ra nhằm nỗ lực để việc áp mức thuế suất cao nhất 46% sẽ không diễn ra. Ví dụ, gần đây VCB đã ký biên bản ghi nhớ tài trợ cho Vietnam Airlines mua 50 máy bay Boeing, hay ngân hàng cũng đã đưa ra các chính sách hỗ trợ cho khách hàng nhập khẩu máy móc từ Mỹ.

VCB ghi nhận tăng trưởng tín dụng tốt trong quý 1/2025 so với những năm gần đây. Theo Tổng Giám đốc Lê Quang Vinh, ngân hàng đã ký kết nhiều hợp đồng tín dụng quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm. Công tác phát triển khách hàng cũng vượt kế hoạch. Ngoài ra, VCB ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận dương trong quý so với cùng kỳ, với kết quả thu ngoài lãi khả quan trong các lĩnh vực như kinh doanh ngoại hối, TTQT, và TTTM. Tuy nhiên, ngân hàng chưa chia sẻ các số liệu cụ thể và lưu ý rằng báo cáo tài chính sẽ được công bố vào đầu tuần này.

VCB tiếp tục tiếp cận các nhà đầu tư để thực hiện kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5%. Kế hoạch này đã được triển khai từ năm 2021. Tuy nhiên, do điều kiện thị trường không thuận lợi, bao gồm tác động của đại dịch COVID-19 và những thách thức kinh tế sau đó, kế hoạch đã không thể được thực hiện. Trên cơ sở kinh tế bắt đầu khởi sắc trở lại năm 2024, VCB đã khởi động lại kế hoạch tăng vốn như đề ra và đã chủ động tiếp cận một số nhà đầu tư tiềm năng. Ngân hàng đã nhận được phản hồi tích cực ban đầu từ các cuộc thảo luận này và sẽ tiếp tục mở rộng tìm kiếm nhà đầu tư trong năm nay. Tuy nhiên, tiến độ và khả năng triển khai thành công sẽ phụ thuộc vào diễn biến kinh tế vĩ mô, biến động thị trường và nhu cầu thực tế của nhà đầu tư.

VCB sẽ phát triển VCB Neo thành một ngân hàng số, không phụ thuộc vào mạng lưới và nguồn nhân lực ngân hàng truyền thống. Kể từ khi nhận chuyển giao, VCB đã (1) tích cực rà soát tổng thể các mảng hoạt động của Ngân hàng Xây dựng, (2) đổi tên nhận diện thương hiệu (nay là VCB Neo), (3) đánh giá toàn diện, tổng thể các mặt hoạt động và kiểm soát các yếu điểm và rủi ro tiềm ẩn trong từng lĩnh vực hoạt động; (4) chuẩn hóa và ứng dụng các công nghệ ngân hàng tiên tiến; (5) kiện toàn nguồn nhân lực; và (6) thường xuyên báo cáo các đánh giá tổng thể VCB Neo trên mọi khía cạnh cho các cơ quan quản lý có thẩm quyền. Đến giữa tháng 4/2025, VCB đã hoàn tất chuyển đổi toàn bộ hệ thống ngân hàng lõi và Digibank của VCB sang VCB Neo và sắp tới sẽ triển khai một loạt các công nghệ cho VCB Neo theo tiêu chuẩn của VCB để đảm bảo các an toàn CNTT.

Powered by Froala Editor

Tư vấn nhanh và chính xác nhất, gọi ngay: (+84) 2 8888 2 6868

/en/research-center/vcb-modest-pbt-growth-target-amid-tariff-uncertainty-but-positive-signs-indicating-re-acceleration-of-credit-growth-agm-note