- Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBB) tổ chức vào ngày 26/04. Nội dung chính của cuộc họp bao gồm đề xuất kế hoạch kinh doanh năm 2025, kế hoạch chia cổ tức, kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ và kế hoạch tái cơ cấu MBV (trước đây là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (Ocean Bank)). Phiên hỏi đáp tập trung vào triển vọng kinh doanh, kế hoạch cổ tức và mua cổ phiếu quỹ của ngân hàng.
- Kế hoạch năm 2025 bao gồm tăng trưởng tín dụng đạt 23,7% YoY (tăng trưởng thực tế sẽ phụ thuộc quyết định của Ngân hàng Nhà nước), tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới hoặc bằng 1,7%, và lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 31,8 nghìn tỷ đồng (+10% YoY) so với dự báo của chúng tôi là 32,1 nghìn tỷ đồng (+11% YoY). Ngoài ra, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) được kiểm soát dưới 30%, tỷ lệ CASA đạt khoảng 39%–40%, và tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) duy trì trên 100%. MBB đặt mục tiêu đạt 34–35 triệu khách hàng và hướng tới 40 triệu khách hàng vào năm 2029.
- MBB cho biết KQKD quý 1/2025 tăng trưởng mạnh(LNTT +45% YoY), đến từ tất cả các mảng kinh doanh với mức nền thấp của quý 1/2024. Ngoài ra, MBB đã bán 33 nghìn tỷ đồng khoản vay tốt cho MBV để tạo đà tăng trưởng lợi nhuận theo kế hoạch tái cơ cấu. Tăng trưởng tín dụng quý 1/2025 của MBB trước khi bán khoản vay đạt 6% so với quý trước (QoQ). Với KQKD quý 1/2025 mạnh mẽ và sự tự tin của ban lãnh đạo trong việc duy trì đà tăng trưởng trong các quý tới, chúng tôi tin rằng mục tiêu hiện tại của MBB là khả thi.
- MBB đề xuất (1) chia cổ tức cổ phiếu với tỷ lệ 32% số cổ phiếu đang lưu hành và (2) cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 3% (300 đồng/cổ phiếu) từ lợi nhuận giữ lại năm 2024.
- MBB đề xuất tiếp tục thực hiện kế hoạch phát hành 62 triệu cổ phiếu cho các đối tác chiến lược trong năm 2025. Chúng tôi lưu ý rằng đây là phần còn lại trong kế hoạch chào bán riêng lẻ của MBB vào năm 2023, bao gồm (1) 70 triệu cổ phiếu cho Viettel Group và (2) 65 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Vào tháng 3/2024, MBB đã hoàn tất phát hành (1) 43 triệu cổ phiếu (trong 70 triệu cổ phiếu) cho Viettel Group và (2) 30 triệu cổ phiếu (trong 65 triệu cổ phiếu) cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
- MBB cho biết theo cập nhật từ NVL, các phê duyệt pháp lý quan trọng cho dự án Aqua City dự kiến sẽ hoàn tất trước ngày 30/6.
- Dư nợ tín dụng xanh hiện chiếm 8,5% tổng dư nợ của MBB, với mục tiêu nâng tỷ trọng lên 9,5%. Hiện vẫn chưa có quyết định thu hồi chính sách FIT 1 và FIT 2 dành cho các chủ đầu tư năng lượng tái tạo. EVN đang chậm thanh toán phần sản lượng điện đã được cung cấp do còn chờ cơ chế từ Chính phủ. Một số khách hàng của MBB đã bị ảnh hưởng bởi việc chậm thanh toán này.
- Theo Luật Các tổ chức tín dụng mới (có hiệu lực từ tháng 7/2024), nhằm tăng cường quy trình vận hành, MBB cũng đề xuất kế hoạch hành động tổng thể về biện pháp khắc phục trong trường hợp can thiệp sớm khi phát hiện vấn đề tài chính.
Kế hoạch kinh doanh năm 2025 được xây dựng thận trọng và đã chịu một số tác động tiêu cực từ thuế quan của Mỹ. Ban lãnh đạo tin rằng các cải cách hành chính của Nhà nước sẽ hỗ trợ đáng kể cho triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Tỷ trọng cho vay đối với các doanh nghiệp FDI tại MBB ở mức thấp (0,6% tổng dư nợ). Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 24% nhưng lợi nhuận chỉ tăng 10% trong năm 2025. Ngoài ra, MBB cũng hướng tới tăng trưởng quy mô hàng năm ở mức 25%-35% trong 3 năm tới, vượt xa mức trung bình của ngành. Ngân hàng ưu tiên cho vay bán lẻ và khách hàng SME siêu nhỏ, với mục tiêu nâng tỷ trọng từ 55% lên 60% tổng danh mục cho vay. Chuyển đổi số tiếp tục là chiến lược cốt lõi, tập trung mạnh vào bảo mật an ninh mạng và nâng cao năng suất thay vì cắt giảm nhân sự. MBB cũng đang phát triển giải pháp công nghệ để đầu tư tự động trên tài khoản CASA. Lợi nhuận mới từ các sáng kiến số hóa dự kiến sẽ đóng góp trong vòng 1–3 năm tới.
MBB đề xuất kế hoạch mua lại 100 triệu cổ phiếu (tương đương 1,6% số cổ phiếu đang lưu hành) trong giai đoạn 2025–2026 thông qua phương thức khớp lệnh nhằm bảo vệ lợi ích cổ đông trước những biến động tiềm ẩn của thị trường, tuy nhiên kế hoạch này khiến một số nhà đầu tư lo ngại về mức độ tác động tích cực thực tế. Vốn điều lệ của MBB (61 nghìn tỷ đồng tính đến cuối năm 2024) sẽ giảm 1 nghìn tỷ đồng sau khi giao dịch hoàn tất. Chúng tôi ước tính hệ số an toàn vốn (CAR) năm 2024 của MBB (ở mức 11,7%) có thể giảm khoảng 10 điểm cơ bản sau khi giảm vốn điều lệ do thực hiện mua lại cổ phiếu (giả định các yếu tố khác không đổi).
Ngân hàng cung cấp thêm thông tin chi tiết về kế hoạch tái cơ cấu MBV (trước đây là Ocean Bank).
MBB đã chính thức nhận chuyển giao Ngân hàng TNHH MTV Việt Nam Hiện Đại (MBV) vào tháng 10/2024 và đang vận hành MBV dưới mô hình ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoạt động độc lập. MBB tiếp tục hỗ trợ MBV nhưng không hợp nhất báo cáo tài chính của MBV (do đó không ảnh hưởng đến các chỉ số tài chính của MBB), đồng thời xem đây là cơ hội tăng trưởng dài hạn. MBB kỳ vọng MBV sẽ bắt đầu có lãi ngay trong năm nay và lên kế hoạch xóa toàn bộ lỗ lũy kế trong vòng 5–7 năm, hướng tới khôi phục hoàn toàn hoạt động bình thường trong vòng 7–10 năm. Đánh giá tổng quan của chúng tôi dựa trên các thông tin công bố hiện tại cho thấy kế hoạch này sẽ mang lại tác động tích cực ròng cho MBB trong dài hạn.
a. Tình hình tài chính của MBV tính đến cuối năm 2024:
+ Tổng tài sản: 46,2 nghìn tỷ đồng (+16% YoY; chiếm 4% tổng tài sản năm 2024 của MBB).
+ Dư nợ khách hàng: 34,8 nghìn tỷ đồng (+5,6% YoY; chiếm 5% dư nợ khách hàng năm 2024 của MBB).
+ Tiền gửi khách hàng: 47,0 nghìn tỷ đồng (+5,3% YoY; chiếm 7% tiền gửi khách hàng năm 2024 của MBB).
+ Lỗ lũy kế: 15,7 nghìn tỷ đồng (tương đương 69% lợi nhuận ròng năm 2024 của MBB).
+ 101 điểm giao dịch tại 19 tỉnh thành (tương đương khoảng 20% mạng lưới điểm giao dịch hiện tại của MBB).
b. Các ghi nhận chính:
- MBB đặt mục tiêu tái cơ cấu MBV thành một ngân hàng số lành mạnh.
- Đóng góp vốn tối đa của MBB vào MBV là 5 nghìn tỷ đồng.
- Trong tương lai, MBV có thể thay đổi mô hình pháp lý/ sáp nhập vào MBB/được nhà đầu tư khác mua lại (toàn phần hoặc một phần) theo phương án đã được phê duyệt và các quy định pháp luật.
- MBB và MBV được quyền tiếp nhận và triển khai các biện pháp hỗ trợ cần thiết; MBB sẽ hỗ trợ MBV về quản trị, vận hành, đào tạo, công nghệ thông tin, v.v.
- MBB được ủy quyền đề xuất với cơ quan chức năng các biện pháp hỗ trợ, cơ chế và chính sách nhằm đảm bảo triển khai hiệu quả kế hoạch tái cơ cấu.
MBB đặt mục tiêu mở rộng mạnh mẽ trong dài hạn. Ngân hàng có kế hoạch thành lập ngân hàng con tại Lào (bằng cách chuyển đổi Chi nhánh MB Lào) và mở thêm chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore và Đài Loan. Trong khi đó, MB Lào đang tìm kiếm cổ đông chiến lược. MBB cũng đề xuất chuyển đổi hình thức pháp lý của MCredit và đang xem xét khả năng IPO MCredit trong dài hạn nhằm mở rộng cơ hội tăng trưởng và đa dạng hóa nguồn vốn. Trong năm nay, ngân hàng sẽ chuẩn bị phương án và thảo luận với Shinsei vào năm sau, đảm bảo quyền lợi của người lao động được duy trì theo thỏa thuận.
Powered by Froala Editor