- Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ của Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel (CTR) tại Hà Nội vào ngày 16/04/2025.
- ĐHCĐ đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với tổng doanh thu đạt 14 nghìn tỷ đồng (+10% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 563 tỷ đồng (+5% YoY; 93% dự báo năm 2025 của chúng tôi). CTR có tiền lệ đạt KQKD cao hơn nhẹ so với kế hoạch đề ra, với tổng doanh thu/LNST thực tế trung bình vượt kế hoạch 7%/6% trong giai đoạn 2022–2024. Dù vậy, chúng tôi vẫn nhận thấy rủi ro điều chỉnh giảm đối với dự báo giai đoạn 2025–2032 của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
- Cổ đông cũng đã thông qua cổ tức tiền mặt năm 2024 ở mức 2.150 đồng/cổ phiếu (lợi suất 2,6%). CTR dự kiến tỷ lệ chi trả cổ tức năm tài chính 2025 sẽ ở mức 10%–20%, có thể dưới hình thức tiền mặt và/hoặc cổ phiếu (CTR hiện chưa công bố hình thức cụ thể).
1. Kế hoạch đến năm 2030:
- CTR đặt mục tiêu cho tăng trưởng doanh thu hằng năm ở mức 10%–15% và tăng trưởng lợi nhuận hằng năm ở mức 5%–10% đến năm 2030 (thấp hơn so với tốc độ tăng trường kép (CAGR) LNTT dự kiến giai đoạn 2024–30 của chúng tôi là 19%).
- Ban lãnh đạo kỳ vọng tăng trưởng doanh thu sẽ được dẫn dắt bởi các mảng xây lắp, dịch vụ kỹ thuật & tích hợp hệ thống, và cho thuê hạ tầng – mỗi mảng dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức hơn 20%/năm. Trong khi đó, CTR dự kiến doanh thu mảng vận hành khai thác sẽ tăng trưởng ở mức 3%–5%/năm. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận chậm hơn tốc độ tăng trưởng doanh thu phản ánh tỷ trọng đóng góp doanh thu cao hơn từ các mảng có biên lợi nhuận thấp hơn như xây lắp và dịch vụ kỹ thuật & tích hợp hệ thống. Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý rằng tăng trưởng EBITDA thường cao hơn tăng trưởng LNTT nhờ mảng towerco có biên lợi nhuận cao.
2. Mảng hạ tầng cho thuê:
* Towerco:
- Số lượng trạm viễn thông mới:
+ CTR có kế hoạch sẽ xây dựng thêm 2.000 trạm viễn thông mới trong năm 2025.
+ CTR duy trì mục tiêu dài hạn là có tổng 20.000–30.000 trạm viễn thông vào cuối năm 2030, tương ứng với việc xây mới 10.000–20.000 trạm trong giai đoạn 2025–2030.
- Tỷ lệ dùng chung: Ban lãnh đạo đặt mục tiêu nâng tỷ lệ dùng chung lên 1,045 trong năm 2025 (so với mức 1,03 vào cuối năm 2024). CTR cho rằng việc các nhà mạng gia tăng sử dụng chung trạm là xu hướng thiết yếu nhằm tối ưu hóa chi phí vận hành.
- Chiến lược hạ tầng số đặt mục tiêu mạng 5G phủ sóng 99% dân số đến năm 2030. Trong kịch bản tốt nhất mà trong đó Viettel đạt được mục tiêu này, CTR ước tính Viettel sẽ cần tổng cộng khoảng 100.000 trạm được trang bị thiết bị 5G. Với mạng lưới hiện tại, bao gồm khoảng 55.000 trạm, CTR ước tính Viettel sẽ cần phải xây dựng thêm khoảng 45.000 trạm mới từ nay đến cuối năm 2030. CTR đặt mục tiêu sẽ xây dựng 50% số trạm này trong giai đoạn 2025–2030, và sẽ cho Viettel thuê.
* Tuyến cáp quang dọc cao tốc Bắc – Nam:
- CTR đặt mục tiêu sẽ đưa khoảng 580 km của tuyến cáp vào vận hành trong năm 2025 (xấp xỉ 28% tổng chiều dài 2.089 km từ Đà Nẵng vào miền Nam của tuyến cáp). Hiện công ty đang xin một số giấy phép thi công cho một số đoạn của tuyến cáp này.
- Sau khi toàn bộ 2.089 km được hoàn thành, CTR ước tính doanh thu tiềm năng thu được từ việc cho thuê toàn bộ tuyến cáp có thể đạt khoảng 200–500 tỷ đồng, tùy thuộc vào số lượng khách thuê.
3. Các mảng kinh doanh khác:
* Mảng xây lắp:
- CTR cho rằng Viettel sẽ đẩy mạnh việc lắp đặt thiết bị 5G trong năm 2025, đặc biệt tại các khu vực đô thị. Theo CTR, Viettel dự kiến sẽ trang bị thiết bị 5G cho 15.000–20.000 trạm viễn thông trong năm nay và ưu tiên lắp vào các trạm hiện hữu thay vì trạm mới hoàn toàn. CTR kỳ vọng sẽ tham gia lắp đặt một phần trong tổng số thiết bị 5G được lắp đặt vào các trạm viễn thông của Viettel, với doanh thu sẽ được ghi nhận vào mảng xây lắp của công ty.
- Trong phân mảng xây dựng B2B, CTR có kế hoạch tăng cường tham gia các dự án đầu tư công và các dự án có vốn FDI. Ở phân mảng xây dựng B2C, công ty định hướng sẽ phát triển hệ sinh thái xây dựng dân dụng tích hợp, tận dụng lợi thế liên kết với các dịch vụ nhà thông minh, sản phẩm nội thất và thiết bị gia dụng của công ty.
* Mảng tích hợp hệ thống & dịch vụ kỹ thuật: CTR dự kiến sẽ tập trung vào các dự án cơ điện (M&E) có giá trị lớn và các giải pháp năng lượng mặt trời.
* Mảng vận hành khai thác: CTR đặt kế hoạch (1) tiếp tục cung cấp các dịch vụ nhằm đảm bảo KPI cho các khách hàng hiện hữu và (2) mở rộng sang các khách hàng ngoài hệ sinh thái Viettel.
4. Một số nội dung thảo luận khác:
* Tác động tiềm năng từ thuế quan đối ứng: Ban lãnh đạo có quan điểm tích cực về tác động dài hạn của các biện pháp thuế, do khả năng của xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, một số tác động gián đoạn vẫn có thể xảy ra trong ngắn hạn.
* Nhận định về tác động từ Internet vệ tinh Starlink: Với vai trò là nhà vận hành và xây lắp hạ tầng viễn thông, CTR có thể hưởng lợi từ nhu cầu lắp đặt thiết bị đầu cuối của dịch vụ Internet vệ tinh của Starlink trong tương lai.
Powered by Froala Editor