- Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ trực tuyến của Tổng CTCP Bảo Minh (BMI) tổ chức vào ngày 25/04. Phiên hỏi đáp tập trung vào triển vọng kinh doanh của công ty, khả năng thoái vốn của các cổ đông lớn và kế hoạch tăng vốn trong tương lai.
- Kế hoạch kinh doanh năm 2025 bao gồm tổng doanh thu đạt 7,3 nghìn tỷ đồng (+5,1% YoY), lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 300 tỷ đồng (+10% YoY) và ROE tối thiểu đạt 10%
- Tác động từ thuế đối ứng của Mỹ: BMI bày tỏ niềm tin vào chiến lược điều hành của Chính phủ, kỳ vọng tác động ở mức hạn chế và tiếp tục cam kết hoàn thành mục tiêu kinh doanh năm.
- Cổ đông đã thông qua kế hoạch chia cổ tức năm tài chính 2024 ở mức 18,5%, bao gồm (1) cổ tức cổ phiếu với tỷ lệ 13,5% và (2) cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 5%, dự kiến thanh toán trong quý 3 hoặc quý 4/2025. BMI cũng đặt mục tiêu chia cổ tức với tỷ lệ 10% cho năm tài chính 2025. Công ty cho biết việc chia cổ tức cổ phiếu sẽ giúp BMI nâng cao năng lực cạnh tranh so với các đối thủ về giá, mở rộng mạng lưới, chất lượng dịch vụ và vị thế tài chính.
- Cổ đông đã bầu bà Krithika – đại diện cổ đông lớn AXASA – làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2025–2029 (thay cho đại diện trước đó đã từ nhiệm).
- BMI kỳ vọng Nhà nước sẽ duy trì tỷ lệ sở hữu và nắm giữ lâu dài trong giai đoạn 2026–2029.
BMI kỳ vọng tỷ lệ kết hợp sẽ giảm trong năm 2025. Trong năm 2024, công ty đã tập trung tái cấu trúc mảng bảo hiểm sức khỏe do lượng khám chữa bệnh tăng mạnh sau dịch COVID-19, dẫn đến tỷ lệ bồi thường gia tăng. BMI hiện đang thận trọng điều chỉnh hoạt động khai thác bảo hiểm sức khỏe mới và kỳ vọng quá trình tái cấu trúc này sẽ hoàn tất trong năm 2025. Trong khi đó, BMI đang mở rộng danh mục sản phẩm bảo hiểm bán lẻ — đặc biệt là bảo hiểm khác liên quan đến con người và xe cơ giới — tại một số tỉnh thành để giảm áp lực tăng trưởng phí bảo hiểm. Công ty đặt mục tiêu giảm tỷ lệ kết hợp trong năm 2025 thông qua việc giảm chi phí khai thác và ngăn chặn gian lận bảo hiểm.
Ban lãnh đạo dự kiến sẽ tăng vốn và áp dụng mô hình quản lý vốn mới trong giai đoạn 2026–2029. BMI đang chuẩn bị cho việc triển khai mô hình quản lý vốn theo rủi ro (Risk-Based Capital – RBC) dành cho các doanh nghiệp bảo hiểm (với lộ trình áp dụng toàn ngành năm 2028). Dù quy định cụ thể chưa được ban hành, BMI kỳ vọng việc chủ động áp dụng sớm sẽ giúp nâng cao khả năng quản lý rủi ro thanh khoản và phản ánh chính xác hơn tình hình tài chính của BMI. Để hỗ trợ tăng trưởng và cải thiện biên khả năng thanh toán theo khung quản lý mới, BMI có kế hoạch huy động vốn mới (bên cạnh việc chia cổ tức cổ phiếu) để tăng vốn điều lệ từ 1,5 nghìn tỷ đồng lên 2 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2026–2029.
Cơ cấu lại danh mục đầu tư nhằm tối ưu hóa lợi nhuận trong bối cảnh lãi suất duy trì ở mức thấp: Tỷ trọng tiền gửi ngân hàng sẽ được giảm từ 84% xuống 59%, trong khi đầu tư cổ phiếu sẽ tăng từ 4% lên 15%. Đồng thời, BMI sẽ phân bổ mới 5% vào ủy thác đầu tư và tăng tỷ trọng đầu tư trái phiếu từ 5% lên 13%. Các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp sẽ giới hạn trong trái phiếu do ngân hàng phát hành, nhằm giảm thiểu rủi ro. BMI ưu tiên tối ưu hóa lợi nhuận từ đầu tư nguồn vốn nhàn rỗi, thay vì phụ thuộc vào lợi nhuận từ hoạt động bảo hiểm. Công ty cũng cho biết sẽ gia tăng tỷ trọng đầu tư cổ phiếu khi điều kiện thị trường thuận lợi, đồng thời đảm bảo quản trị rủi ro chặt chẽ.
Powered by Froala Editor