Ngoài ra còn có hơn 30 doanh nghiệp hàng đầu, bao gồm cả niêm yết, sắp niêm yết và IPO tham dự và giới thiệu cơ hội đầu tư với các NĐT. Trong đó có nhiều tên tuổi thu hút các NDT như Vietjetair, Novaland, VNM, VCB, VIC, GAS. CII, CTD, ….Qua các năm cho thấy, sự tham gia các hội thảo, hội nghị đầu tư của các doanh nghiệp ngày một gia tăng. Điều này thể hiện sự chủ động trong công tác tiếp thị, truyền thông hình ảnh công ty không chỉ giới hạn trong nước mà còn hướng đến các NĐT quốc tế.


Bà Nguyễn Thanh Phượng, chủ tịch CTCK Bản Việt cho rằng, năm 2015, kinh tế Việt Nam ổn định, thể hiện qua các con số vĩ mô như tăng trưởng GDP 6,68%, cầu tín dụng và tiêu dùng nội địa phục hồi tốt. Bên cạnh đó, nhiều chính sách theo định hướng “cởi mở” hơn như Nghị định 60/2015/NĐ-CP cho phép nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các doanh nghiệp, sự thúc đẩy mạnh mẽ CPH DNNN…đã mang đến sự hứng khởi hơn đối với các NĐT NN. Với mục tiêu kết nối DN và NDT, bà Phượng kỳ vọng, thông qua VAD 2016, các DN tham gia có thể dễ dàng tìm được đối tác cho các đợt phát hành tăng vốn trong tương lai, cũng như cung cấp thêm các thông tin giúp các NĐT dễ dàng nhận biết, tìm kiếm cơ hội đầu tư đối với doanh nghiệp Việt Nam.


Ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia ASEAN duy nhất có số liệu tăng trưởng khả quan trong năm 2015 vừa qua, cho thấy sự phục hồi rõ nét của nền kinh tế. Ông Batten dự báo, mặc dù kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam trong năm 2016 vẫn tiếp tục có một năm tăng trưởng ổn định, một trong những cơ sở đó là trong năm qua, kinh tế Việt Nam lẫn tỷ giá đồng Việt Nam đều ổn định hơn hẳn so với các thị trường khác trong khu vực, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng. Ngoài ra, với quyết tâm hội nhập sâu rộng thể hiện qua các hiệp định đã ký sẽ giúp Việt Nam thu hút vốn ngoại, đẩy mạnh sản xuất trong nước và cả xuất khẩu.


Tuy nhiên, ông Batten cho rằng, có một số vấn đề mà Việt Nam cần giải quyết nhằm tiếp tục đảm bảo sự ổn định bền vững về mặt vĩ mô như nợ công hiện chiếm gần 65%GDP, sẽ tạo áp lực cho kinh tế Việt Nam trong việc phát triển bền vững; sự suy giảm trong dự trữ ngoại hối; quá trình giải quyết nợ xấu cần được đẩy nhanh; có nhiều tiến bộ trong việc thúc đẩy DNNN tiến hành IPO, niêm yết nhưng vẫn còn chậm.


Theo ghi nhận của ĐTCK, có khá nhiều NĐT đã tham gia Vietnam Access Day các năm trước và đến với hội nghị năm nay, họ kỳ vọng sẽ tìm thêm được những cơ hội đầu tư mới. Còn với các NĐT mới, họ chia sẻ, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có sự biến động thì Việt Nam được xem là khá ổn định về vĩ mô. Đồng thời, sau khi thông tin hiệp định TPP được ký kết chính thức và cộng đồng kinh tế Asean sẽ hình thành từ năm 2016 tạo ra lợi thế vượt trội cho Việt Nam. Do vậy, những NĐT mới này cho rằng, đây là cơ hội để tiếp xúc trực tiếp với các DN Việt Nam, nắm bắt hơn nữa về các thông tin vĩ mô, những chính sách của Chính phủ….Hầu hết các NĐT đều tìm hiểu thông tin về một số ngành tại Việt Nam như ngân hàng, bất động sản, tiêu dùng, thương mại điện tử và các doanh nghiệp được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do. Trong đó, NĐT bày tỏ sự thích thú tới ngành tiêu dùng và các ngành liên quan đến tiêu dùng như logistics; lĩnh vực bán lẻ hay dệt may.


Ông Petri Deryng, là thành viên quản lý của quỹ PYN Elite Fund cho biết đây là lần thứ ba ông tham dự Hội nghị Vietnam Access Day. Theo ông Deryng, ngành tiêu dùng, bán lẻ và bất động sản của Việt Nam đều có triển vọng phát triển lâu dài, tiềm năng thu hút vốn ngoại lớn.


Liên quan đến TPP, bà Virginia B.Foote, Chủ tịch kiêm CEO của Công ty Bay Global Strategies cho rằng, việc tham gia TPP đã nâng cao tầm vóc chính trị của Việt Nam, hỗ trợ sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Đặc biệt, tạo lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. Thu hút hơn nữa dòng vốn FDI. Tuy vậy, những thách thức mà Chính Phủ cũng như doanh nghiệp Việt Nam cần giải quyết để có thể khai thác cơ hội từ thị trường rộng lớn TPP. Cụ thể, DN cần được chuẩn bị để nắm rõ những quy tắc và tiêu chuẩn mới; cơ sở hạ tầng như điện, đường, cảng cần tiếp tục cải thiện; Đặc biệt là vấn đề về công đoàn, Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong việc này do đó cần có các bước làm quen và thay đổi dần trước khi TPP có hiệu lực.


Bà Virginia B.Foote khẳng định tại Vietnam Access Day 2016 vừa qua, TPP không đảm bảo nhưng lại tạo ra cơ hội thành công, giúp VIệt Nam phát triển bền vững hơn nếu có sự chuẩn bị kỹ càng và phối hợp tốt giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp.