Đó là ý kiến của giám đốc điều hành một quỹ đầu tư khi nói về sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam. Ông cho rằng nền kinh tế Việt Nam và thị trường chứng khoán nên có sự thay đổi để khi nhắc đến điểm dừng chân đầu tư ở thị trường Đông Nam Á, nhà đầu tư có thể không băn khoăn mà trả lời ngay đó là Việt Nam, như họ vốn nhắc đến phở khi nói đến món ăn Việt.
Hội nghị kết nối đầu tư 2017 do Vietcap tổ chức tuần trước.
“Ngon” từ nội lực
Thị trường chứng khoán Việt Nam những năm qua đã có nhiều sự cải tiến, cả về sản phẩm mới, công nghệ rút ngắn thời gian giao dịch lẫn dịch vụ tư vấn cho nhà đầu tư... Đồng thời, những quy định về mở room cho nhà đầu tư nước ngoài, về việc giảm bớt thủ tục đầu tư và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang được thực hiện ráo riết sẽ tạo ra nguồn hàng đến từ các doanh nghiệp đầu ngành trong các lĩnh vực như hàng không, nước giải khát, viễn thông. Ở một góc độ nào đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đang hàng ngày mong trở thành một “tô phở ngon” cho nhà đầu tư thưởng thức.
Không chỉ riêng trên thị trường chứng khoán, mà cả môi trường đầu tư nói chung của Việt Nam cũng được nhiều nhà đầu tư nước ngoài cho là đã có những bước chuyển. Ngoài giảm bớt thủ tục hành chính khi đầu tư là chính sách thuế rõ ràng, công nghệ được áp dụng vào các hoạt động kê khai thuế, hải quan...
Tại Vietnam Access Day (Hội nghị kết nối đầu tư) 2017 do Công ty chứng khoán Vietcap tổ chức ngày 28-2 đến ngày 2-3 vừa qua, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành cho rằng Chính phủ đã thực sự có những nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Đặc biệt trong hai năm gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy nhanh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhằm phát triển thị trường vốn, đồng thời giúp các doanh nghiệp làm ăn minh bạch hơn bên cạnh việc tăng thu ngân sách cho nhà nước thông qua thoái vốn nhà nước.
Kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có những điểm cộng trong năm 2016 với sự tăng trưởng GDP ở mức 6,2%. Mặc dù không đạt mức 6,7% như mục tiêu đề ra, nhưng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, ảnh hưởng nhiều đến nông nghiệp, đến mức độ tiêu dùng của khu vực nông thôn, mức tăng 6,2% có thể xem là một sự cố gắng đáng kể.
Trong các yếu tố vĩ mô của năm 2017, ông Barry Weiblatt, Giám đốc Phân tích Vietcap tỏ ra lạc quan với những nhận định như tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định, lạm phát sẽ không tăng quá 5%, tín dụng sẽ tiếp tục tăng khoảng 17-18%, bằng với mức tăng dư nợ của cuối 2016 so với cuối 2015, GDP sẽ có thể tăng khoảng 6,7%.
Vị đại diện một quỹ đầu tư làm ăn khá lâu tại Việt Nam - ông Louis Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM), cho rằng ông cảm nhận được sự thay đổi mạnh mẽ tại Việt Nam trong các năm gần đây tạo cơ hội làm ăn cho nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, sự phát triển mạnh của công nghệ và sự thay đổi thói quen tiêu dùng đã tạo nên một mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư. Phong trào khởi nghiệp lan rộng, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cũng khiến cho Việt Nam trở nên năng động hơn. “Nhiều quỹ đầu tư đã trực tiếp bỏ vốn vào các doanh nghiệp khởi nghiệp này, đó là tín hiệu rất đáng mừng”, ông Louis Nguyễn nói.
Cũng tại Vietnam Access Day năm nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam như Vinamilk, Nhà Khang Điền, Masan Group, Vietcombank, Vietjet Air đã giới thiệu tiềm năng phát triển của mình đến nhà đầu tư. Cũng nhờ những buổi gặp gỡ như vậy mà từ sau Vietnam Access Day các năm trước, một số công ty đã có thêm những các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Không thể lơ là nút thắt thời gian
Trong phần trình bày của mình tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng Việt Nam có hai nút thắt quan trọng là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và giảm nợ công. Ông Thành nhấn mạnh nếu không được tháo gỡ sớm, hai điểm nghẽn này sẽ tạo ra sự rủi ro rất lớn cho nền kinh tế.
Đối với lĩnh vực ngân hàng, ông Thành cho rằng việc Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) chưa xử lý được là bao đối với các khoản nợ xấu là vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước phải xem xét, tính toán để có phương án nhanh chóng. Bởi nếu không, nợ xấu sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến nguồn vốn vay cho doanh nghiệp.
Thêm vào đó, việc xử lý các ngân hàng yếu thông qua mua bán, sáp nhập cũng cần. Theo ông Thành, Nhà nước nên mua lại rồi cải tổ, sau đó bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài. Quá trình này đã được đẩy mạnh vào các năm trước nhưng đang có dấu hiệu chững lại.
Một số rào cản pháp lý về sở hữu cần được mở. Như một nhà đầu tư nước ngoài đến từ Dubai - UAE trao đổi với TBKTSG bên lề Vietnam Access Day, rằng ông quan tâm đến hệ thống ngân hàng Việt Nam, nhưng nếu Nhà nước thực sự muốn bán thì phải cho phép ngân hàng nước ngoài sở hữu trên 51% vốn, đồng thời, tình hình tài chính của ngân hàng phải được minh bạch, được kiểm toán bởi các công ty lớn trên thế giới. “Chúng tôi chỉ bỏ vốn khi biết rõ tình hình tài chính và nắm được quyền kiểm soát ngân hàng”, nhà đầu tư này khẳng định.
Vì vậy, vấn đề tái cơ cấu ngân hàng thực sự là nút thắt lớn cần tháo gỡ để hệ thống này chạy trơn tru hơn, vừa là để cổ phiếu ngành này tăng trưởng tốt, đồng thời vòng quay của nền kinh tế sẽ được vận hành hiệu quả hơn khi những vấn đề của hệ thống ngân hàng được giải quyết.
Vị ngon của phở trong lòng người nước ngoài rất khó quên. Mong rằng Việt Nam cũng sẽ cải tổ những điểm yếu trong vận hành nền kinh tế nói chung, thị trường chứng khoán nói riêng, để được nhà đầu tư nhớ đến khi chọn điểm đến đầu tư.
Trao đổi với TBKTSG, một vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết trọng tâm trong năm nay là xử lý những vấn đề còn tồn đọng của các ngân hàng, trong đó có việc buộc các ngân hàng đã cho cá nhân vay mua ngân hàng khác phải thu hồi nợ, ngưng cho vay mới, các cá nhân đã vay nợ để mua cổ phần chi phối các ngân hàng khác cũng sẽ phải tự xử lý, có thể sẽ chỉ còn được sở hữu, không còn các quyền liên quan đến đề cử, bỏ phiếu, và điều hành tại các ngân hàng. Vấn đề pháp lý cũng được xem xét nới lỏng quy định để bán lại ngân hàng 100% vốn nhà nước... |