Trong bối cảnh thị trường tài chính ngày càng phát triển, trái phiếu đã trở thành một kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn nhờ tính an toàn và lợi nhuận ổn định. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ trái phiếu là gì, đặc điểm ra sao và cách thức mua trái phiếu tại Việt Nam như thế nào cho hiệu quả.
Bài viết sau Vietcap sẽ giúp bạn nắm bắt khái niệm cơ bản về trái phiếu, phân biệt các loại trái phiếu phổ biến và hướng dẫn chi tiết các phương thức đầu tư trái phiếu hiện nay tại thị trường Việt Nam.
Trái phiếu là gì?
Trái phiếu được định nghĩa là một loại chứng khoán nợ. Về tính chất, trái phiếu có nhiều điểm tương đồng với những khoản cho vay có kỳ hạn. Trái phiếu đóng vai trò là giấy vay nợ thể hiện nghĩa vụ giữ bên phát hành trái phiếu (bên vay) và bên mua trái phiếu (bên cho vay). Số tiền gốc, lãi và thời gian trả lãi hay còn gọi là lợi tức sẽ được ấn định ngay từ đầu. Đối tượng phát hành trái phiếu trên thị trường Việt Nam hiện nay gồm 2 thành phần chính: doanh nghiệp và chính phủ
=>> Có thể bạn nên đọc:
Tham gia đầu tư chứng khoán bạn cần chuẩn bị vốn, để mua cổ phiếu/ trái phiếu có tiềm năng.
Các loại trái phiếu hiện nay mà nhà đầu tư cần biết
Trái phiếu hiện nay được phân loại dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau, từ đơn vị phát hành, cách tính lãi suất đến mức độ đảm bảo thanh toán. Việc nắm rõ các loại trái phiếu sẽ giúp nhà đầu tư lựa chọn sản phẩm phù hợp với mục tiêu tài chính và mức độ chấp nhận rủi ro của mình.
Phân loại theo chủ thể phát hành
Trái phiếu Chính phủ: Được phát hành bởi Bộ Tài chính, loại trái phiếu này nhằm huy động vốn phục vụ cho các nhu cầu chi tiêu công như xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. Đây là loại trái phiếu có mức độ an toàn cao nhất do được Nhà nước đảm bảo thanh toán.
Trái phiếu chính quyền địa phương: Do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố phát hành để huy động vốn cho các dự án phát triển của địa phương như giao thông, y tế, giáo dục,v.v. Kỳ hạn thường từ 1 năm trở lên và cũng có mức độ an toàn tương đối cao.
Trái phiếu doanh nghiệp: Được phát hành bởi các doanh nghiệp, bao gồm cả ngân hàng và công ty tài chính, để đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh. Nhà đầu tư cần lưu ý rằng loại trái phiếu này mang tính chất "tự vay, tự trả", nên mức độ rủi ro phụ thuộc vào năng lực tài chính và uy tín của doanh nghiệp phát hành.
Phân loại theo lãi suất (lợi tức)
Trái phiếu lãi suất cố định: Có mức lãi suất được xác định rõ ngay từ đầu và không thay đổi trong suốt thời gian nắm giữ trái phiếu. Đây là lựa chọn phù hợp cho nhà đầu tư ưu tiên sự ổn định.
Trái phiếu lãi suất thả nổi: Mức lãi suất sẽ thay đổi theo chu kỳ, thường được tính bằng cách cộng thêm biên độ cố định vào lãi suất tham chiếu (như lãi suất tiết kiệm ngân hàng). Loại trái phiếu này có thể giúp nhà đầu tư hưởng mức lợi nhuận cao hơn khi lãi suất thị trường tăng.
Trái phiếu không lãi suất (zero coupon): Không trả lãi định kỳ mà được bán với giá thấp hơn mệnh giá. Khi đến hạn, trái chủ sẽ nhận lại toàn bộ mệnh giá, phần chênh lệch chính là lợi nhuận. Đây là hình thức đầu tư phổ biến với những ai không cần dòng tiền hàng kỳ.
Phân loại theo mức độ đảm bảo thanh toán
Trái phiếu có tài sản đảm bảo: Được đảm bảo bằng tài sản cụ thể như bất động sản, cổ phiếu hoặc các tài sản có giá trị khác. Trong trường hợp doanh nghiệp phát hành không thể trả nợ, trái chủ có quyền yêu cầu thanh lý tài sản để thu hồi vốn.
Trái phiếu không có tài sản đảm bảo: Dựa hoàn toàn vào uy tín và khả năng tài chính của đơn vị phát hành. Vì không có tài sản làm "chỗ dựa", loại trái phiếu này thường đi kèm với mức lãi suất cao hơn để bù đắp rủi ro.
*** Gợi ý thêm cho nhà đầu tư:
Khi lựa chọn trái phiếu, bạn nên cân nhắc giữa lợi suất kỳ vọng và mức độ an toàn. Trái phiếu Chính phủ thích hợp với người ưu tiên an toàn, trong khi trái phiếu doanh nghiệp có thể hấp dẫn hơn về lợi nhuận nhưng cần nghiên cứu kỹ rủi ro. Ngoài ra, hãy theo dõi kỹ lãi suất thị trường để quyết định nên chọn trái phiếu lãi suất cố định hay thả nổi cho phù hợp.
=>> Xem thêm: Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, nên hay không nên?
3 phương thức mua trái phiếu tại thị trường Việt Nam
Hiện nay, nhà đầu tư tại Việt Nam có thể lựa chọn 3 hình thức chính để đầu tư vào trái phiếu, tùy theo nhu cầu vốn, khả năng phân tích và mục tiêu lợi nhuận của mình:
1. Mua trực tiếp từ đơn vị phát hành (Thị trường sơ cấp)
Đây là hình thức đầu tư trực tiếp vào trái phiếu do các tổ chức phát hành như doanh nghiệp, ngân hàng hoặc Chính phủ chào bán ban đầu. Tuy nhiên, hình thức này thường yêu cầu số vốn lớn và ít phù hợp với nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ.
Các nhà đầu tư chính trong thị trường sơ cấp thường là các tổ chức tài chính lớn, như quỹ đầu tư, ngân hàng thương mại hoặc công ty chứng khoán, do họ có đủ nguồn lực và kinh nghiệm để tham gia từ sớm.
2. Đầu tư gián tiếp thông qua các quỹ đầu tư
Với hình thức này, nhà đầu tư mua chứng chỉ quỹ từ các quỹ đầu tư chuyên nghiệp – những tổ chức đang nắm giữ danh mục trái phiếu đa dạng. Đây là phương pháp an toàn, ít rủi ro vì danh mục trái phiếu của các quỹ thường được phân bổ hợp lý, giảm thiểu rủi ro thị trường.
Tuy nhiên, nhược điểm là lợi nhuận thu được thường thấp hơn do lợi nhuận được chia đều và sau khi trừ đi chi phí quản lý quỹ. Hình thức này phù hợp với những người mới tham gia thị trường, chưa có nhiều kinh nghiệm phân tích trái phiếu cụ thể.
3. Mua qua các kênh phân phối trung gian (Thị trường thứ cấp)
Đây là phương thức phổ biến nhất hiện nay tại Việt Nam. Nhà đầu tư mua trái phiếu từ các đơn vị trung gian, như ngân hàng, công ty chứng khoán hoặc các đơn vị tư vấn đầu tư. Các đơn vị này mua trái phiếu từ tổ chức phát hành và sau đó bán lại cho nhà đầu tư cá nhân với số vốn nhỏ hơn.
Trong phương thức này, có 2 kênh chính:
Ngân hàng và công ty chứng khoán
Nếu bạn đã có kinh nghiệm và biết rõ loại trái phiếu mình muốn mua, thì đây là lựa chọn phù hợp. Bạn có thể:
Mua trực tiếp qua tài khoản đầu tư tại các công ty chứng khoán bằng cách truy cập danh mục trái phiếu họ đang chào bán.
Hoặc liên hệ ngân hàng bạn đang sử dụng để được tư vấn các sản phẩm trái phiếu hiện có.
Đơn vị tư vấn kiêm phân phối trái phiếu
Nếu bạn chưa có nhiều kiến thức hoặc chưa xác định rõ loại trái phiếu phù hợp, thì các đơn vị tư vấn kiêm phân phối là lựa chọn đáng cân nhắc. Không chỉ làm trung gian bán trái phiếu, họ còn giúp:
Tư vấn đầu tư phù hợp với mục tiêu tài chính của bạn
Phân tích doanh nghiệp phát hành trái phiếu
Đưa ra khuyến nghị cụ thể giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn hơn
=>> Xem thêm: Hướng dẫn giao dịch Trái phiếu
Một số lưu ý khi mua trái phiếu
Trái phiếu có thể là một kênh đầu tư hấp dẫn, nhưng đi kèm với đó là những rủi ro mà nhà đầu tư cần nắm rõ trước khi quyết định rót vốn. Dưới đây là những điểm quan trọng bạn nên lưu ý:
1. Trái phiếu không phải là tiền gửi ngân hàng
Nhiều người nhầm tưởng trái phiếu giống như gửi tiết kiệm, tuy nhiên bản chất hoàn toàn khác nhau. Khi bạn mua trái phiếu, nghĩa là bạn cho tổ chức phát hành vay tiền, và họ tự chịu trách nhiệm về việc hoàn trả cả gốc lẫn lãi. Điều này cũng đồng nghĩa rằng bạn sẽ phải đối mặt với rủi ro, nhất là nếu tổ chức phát hành gặp khó khăn về tài chính.
2. Trái phiếu riêng lẻ chỉ dành cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp
Nếu bạn được giới thiệu mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ, hãy lưu ý rằng theo quy định pháp luật hiện hành, chỉ những nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được phép mua loại trái phiếu này. Việc vi phạm quy định có thể dẫn đến rủi ro pháp lý và tài chính không đáng có.
3. Ngân hàng hay công ty chứng khoán chỉ đóng vai trò trung gian phân phối
Việc một tổ chức tài chính như ngân hàng hay công ty chứng khoán giới thiệu trái phiếu không đồng nghĩa với việc họ cam kết đảm bảo an toàn cho khoản đầu tư của bạn. Họ chỉ là đơn vị phân phối, cung cấp dịch vụ trung gian và thu phí, chứ không chịu trách nhiệm nếu tổ chức phát hành không trả được nợ.
4. Cần hiểu rõ sự khác biệt giữa bảo lãnh phát hành và bảo lãnh thanh toán
Bảo lãnh phát hành: Là việc tổ chức bảo lãnh cam kết giúp doanh nghiệp phát hành phân phối số lượng trái phiếu ra thị trường.
Bảo lãnh thanh toán: Có ý nghĩa quan trọng hơn, vì nó liên quan đến việc bảo đảm thanh toán tiền gốc và/hoặc lãi cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, bạn cần tìm hiểu kỹ về phạm vi bảo lãnh: Có thể bảo lãnh toàn bộ hoặc chỉ một phần. Nếu chỉ bảo lãnh một phần, nhà đầu tư sẽ phải tự chịu rủi ro với phần còn lại.
Để đầu tư trái phiếu hiệu quả và an toàn hơn, bạn nên thường xuyên theo dõi các báo cáo về Trái phiếu & Thị trường tiền tệ từ Vietcap hoặc các đơn vị phân tích tài chính uy tín để cập nhật thông tin và xu hướng thị trường.
Kết luận
Trái phiếu là kênh đầu tư ổn định nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro. Nhà đầu tư cần hiểu rõ sản phẩm, lựa chọn phương thức mua phù hợp và luôn cân nhắc kỹ trước khi quyết định xuống tiền. Trang bị kiến thức đầy đủ sẽ giúp bạn đầu tư hiệu quả và an toàn hơn.
Vietcap là một trong những công ty dịch vụ tài chính hàng đầu Việt Nam, giúp khách hàng đầu tư và phát triển thịnh vượng. Chúng tôi chuyên tư vấn, cung cấp các giải pháp tài chính cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức.
Những đặc quyền vô cùng hấp dẫn và thú vị chỉ dành riêng cho khách hàng khách cá nhân khi mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại Vietcap:
- Miễn phí tư vấn từ các tư vấn viên chuyên nghiệp và tận tâm
- Miễn phí trải nghiệm trên những nền tảng ổn định của Vietcap
- Nhận các báo cáo phân tích chuyên sâu theo danh mục đầu tư
MỞ TÀI KHOẢN NGAY hôm nay và bắt đầu hành trình đầu tư của bạn.
Powered by Froala Editor