Trái phiếu doanh nghiệp đang trở thành kênh đầu tư hấp dẫn với lãi suất cạnh tranh và tính ổn định cao hơn so với cổ phiếu. Đây là công cụ huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp, đồng thời mang lại nguồn thu nhập thụ động ổn định cho nhà đầu tư. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn toàn diện về trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường hiện nay.

Trái phiếu doanh nghiệp (“TPDN”) là gì?

Trái phiếu là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành (TCPH).

Trái phiếu doanh nghiệp và những điều cần biết khi đầu tư

 Phân loại:

  • Trái phiếu chuyển đổi: Loại trái phiếu do CTCP phát hành, có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của chính TCPH theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.

  • Trái phiếu có bảo đảm: Loại trái phiếu được bảo đảm thanh toán toàn bộ hoặc một phần lãi, gốc khi đến hạn bằng tài sản của TCPH hoặc tài sản của bên thứ ba theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm; hoặc được bảo lãnh thanh toán theo quy định của pháp luật.

  • Trái phiếu kèm chứng quyền: Là loại trái phiếu được CTCP phát hành kèm theo chứng quyền, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông của TCPH theo điều kiện, điều khoản đã được xác định tại phương án phát hành trái phiếu.

  • Trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền hoặc không có tài sản đảm bảo: Là trái phiếu được phát hành không thuộc các trường hợp nêu trên.

  • Trái phiếu doanh nghiệp xanh: Trái phiếu doanh nghiệp được phát hành để đầu tư cho dự án thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự án mang lại lợi ích về môi trường theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.

Hình thức phát hành: Phát hành ra công chúng và Phát hành riêng lẻ.

Lợi ích khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Lợi ích khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Trái phiếu doanh nghiệp mang đến nhiều ưu điểm nổi bật, giúp nhà đầu tư cân bằng giữa rủi ro và lợi nhuận. Những lợi thế lớn nhất chính là:

  • Lãi suất hấp dẫn: Một trong những lợi thế lớn nhất chính là mức lãi suất hấp dẫn, thường cao hơn so với lãi tiết kiệm ngân hàng, giúp tối ưu hóa nguồn thu nhập. 

  • Mức độ rủi ro thấp: Trái phiếu còn được đánh giá là kênh đầu tư ổn định hơn so với cổ phiếu, đặc biệt khi nhà đầu tư được ưu tiên thanh toán trước cổ đông trong trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn. 

  • Thu nhập định kỳ: Việc trả lãi định kỳ tạo ra nguồn thu nhập thụ động đều đặn, trong khi tính thanh khoản cao giúp nhà đầu tư dễ dàng mua bán trên thị trường thứ cấp khi cần.

  • Đa dạng hóa danh mục đầu tư: Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng là cách thông minh để đa dạng hóa danh mục, giảm thiểu rủi ro nhờ sự kết hợp giữa các loại tài sản khác nhau.

  • Lợi nhuận từ chênh lệch giá: Ngoài thu nhập từ lãi suất, nhà đầu tư còn có cơ hội thu lợi từ chênh lệch giá khi thị trường biến động. 

Đối với doanh nghiệp, phát hành trái phiếu không chỉ giúp huy động vốn hiệu quả mà còn nâng cao uy tín trên thị trường. 

Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý một số rủi ro như khả năng vỡ nợ của doanh nghiệp (rủi ro tín dụng), biến động lãi suất thị trường, hoặc khó khăn khi muốn bán lại trái phiếu (rủi ro thanh khoản). Để đầu tư an toàn, việc tìm hiểu kỹ thông tin doanh nghiệp và tham vấn chuyên gia tài chính là vô cùng quan trọng.

Những điều nhà đầu tư cần biết khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp

Khác với các nhà đầu tư (NĐT) là tổ chức - có một bộ máy tư vấn pháp lý để kiểm soát các rủi ro thì các NĐT cá nhân với vị thế yếu thế hơn, thông thường tự mình đánh giá khi đầu tư vào TPDN. Do vậy, để có kiến thức và các nhìn tổng quát trước khi quyết định đầu tư, các NĐT nói chung và NĐT cá nhân cần lưu ý các vấn đề sau:

Đảm bảo đủ điều kiện mua TPDN

Đối với TPDN riêng lẻ, NĐT cần đáp ứng điều kiện là Nhà Đầu Tư Chuyên Nghiệp[1]. Nếu NĐT không phải Nhà Đầu Tư Chuyên Nghiệp thì không được mua loại trái phiếu này.

Tuy nhiên trên thực tế, đánh vào tâm lý của các NĐT dù chưa đủ điều kiện theo quy định nhưng vẫn muốn đầu tư vào TPDN nên một số tổ chức đã chào mời bằng việc ký kết các hợp đồng hợp tác đầu tư theo hình thức thỏa thuận dân sự hoặc các hình thức tương tự. 

Về mặt pháp lý, NĐT không được xem là người sở hữu TPDN, do vậy, không có quyền và lợi ích với TPDN, không được pháp luật bảo vệ. Không chỉ gánh chịu rủi ro, tổn thất khi mua trái phiếu với hình thức nêu trên, NĐT còn đối diện với việc vi phạm quy định pháp luật[2].

[1] Điều 8 NĐ 153/2020/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi NĐ 65/2022/NĐ-CP.

[2] Điều 34 NĐ 156/2020/NĐ-CP.

Điều kiện và Điều khoản của TPDN

  • Điều khoản thương mại: giá trị (giá mua bán), lãi suất, thời gian thanh toán lãi/gốc, thời gian đáo hạn,...

  • Điều khoản pháp lý: Thông tin về tài sản đảm bảo, quy định về mua lại trước hạn, quy định về thực hiện quyền của người sở hữu trái phiếu khi xảy ra sự kiện vi phạm, các quyền lợi của người sở hữu trái phiếu và trách nhiệm của TCPH,…

Tìm hiểu các thông tin liên quan đến TCPH và TPDN

NĐT cần yêu cầu TCPH, tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về:

  • Tình hình tài chính của TCPH bao gồm cả tình hình huy động vốn TPDN (số lượng đợt phát hành, khối lượng đã phát hành, dư nợ vay, việc thanh toán lãi, gốc trái phiếu đã phát hành) và các chỉ tiêu đánh giá khả năng trả nợ của TCPH;

  • Mục đích phát hành;

  • Tài sản đảm bảo: điều kiện của tài sản đảm bảo, chất lượng, giá trị của tài sản đảm bảo và các cam kết về bảo đảm của TCPH, các nghĩa vụ được bảo đảm và thứ tự ưu tiên thanh toán (có thể tài sản được sử dụng để bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ của TCPH).

  • Đặc điểm, các cam kết đối với trái phiếu, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu, nghĩa vụ của TCPH, nghĩa vụ của tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan.

  • Theo dõi các cập nhật về tình hình tài chính, khả năng trả nợ của TCPH và việc sử dụng vốn huy động từ trái phiếu có phù hợp với mục đích phát hành hay không.

Hiểu rõ về các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư, giao dịch TPDN

TPDN không phải là tiền gửi ngân hàng mà là một khoản nợ cho doanh nghiệp khác vay và được phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Do đó, NĐT mua TPDN có rủi ro khi DN không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu.

Một số vấn đề NĐT thường nhầm lẫn cần lưu ý

Đánh giá độ rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp thông qua đánh giá độ uy tín của các tổ chức cung cấp dịch vụ, phân phối trái phiếu: Các TCTD, CTCK thực hiện việc phân phối thực chất chỉ là mối quan hệ dịch vụ và nhận phí, không đồng nghĩa với việc các tổ chức này chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ của TCPH.

Bảo lãnh phát hành khác với bảo lãnh thanh toán. Bảo lãnh phát hành là việc tổ chức bảo lãnh có cam kết với TCPH về việc phân phối TPDN (mà không bảo lãnh về việc thanh toán gốc, lãi).

Cách phân biệt trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ

Khi tìm hiểu về đầu tư trái phiếu, việc phân biệt giữa trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ là bước quan trọng đầu tiên. 

Trái phiếu chính phủ, do Bộ Tài chính hoặc Kho bạc Nhà nước phát hành, được xem là lựa chọn an toàn nhất nhờ sự bảo đảm từ chính phủ, gần như không có rủi ro vỡ nợ. Tuy nhiên, mức lãi suất thường khiêm tốn hơn so với trái phiếu doanh nghiệp.

Ngược lại, trái phiếu doanh nghiệp mang lại lãi suất hấp dẫn hơn nhưng đi kèm với rủi ro cao hơn, phụ thuộc vào tình hình tài chính và khả năng thanh toán của doanh nghiệp phát hành.

Một điểm khác biệt nữa là tính thanh khoản. Trái phiếu chính phủ thường dễ mua bán trên thị trường thứ cấp nhờ tính ổn định và uy tín, trong khi trái phiếu doanh nghiệp có thể gặp khó khăn hơn trong giao dịch, tùy thuộc vào quy mô và độ tin cậy của doanh nghiệp. 

Về mục đích phát hành, trái phiếu chính phủ tập trung vào các dự án công cộng hoặc bù đắp ngân sách, còn trái phiếu doanh nghiệp hướng đến mở rộng sản xuất hoặc đầu tư phát triển.

Cuối cùng, quyết định đầu tư vào loại trái phiếu nào nên dựa trên rủi ro và mục tiêu tài chính cá nhân. Nếu bạn ưa thích sự an toàn và ổn định, trái phiếu chính phủ là lựa chọn lý tưởng. 

Ngược lại, nếu sẵn sàng chấp nhận rủi ro để theo đuổi lợi nhuận cao hơn, trái phiếu doanh nghiệp có thể phù hợp hơn. Dù lựa chọn nào, việc tìm hiểu kỹ thông tin và đa dạng hóa danh mục đầu tư luôn là chiến lược thông minh.

Trái phiếu doanh nghiệp là kênh đầu tư hấp dẫn với nhiều ưu điểm vượt trội như lãi suất cố định, tính ổn định cao và khả năng đa dạng hóa danh mục đầu tư. Việc phân tích kỹ lưỡng các yếu tố rủi ro như rủi ro tín dụng, rủi ro lãi suất và rủi ro thanh khoản sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định sáng suốt. Đặc biệt, nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục trái phiếu để giảm thiểu rủi ro và cân nhắc đầu tư thông qua các quỹ trái phiếu chuyên nghiệp nếu thiếu kinh nghiệm.

Vietcap là một trong những công ty dịch vụ tài chính hàng đầu Việt Nam, giúp khách hàng đầu tư và phát triển thịnh vượng. Chúng tôi chuyên tư vấn, cung cấp các giải pháp tài chính cho khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức. 

Những đặc quyền vô cùng hấp dẫn và thú vị chỉ dành riêng cho khách hàng khách cá nhân khi mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại Vietcap:

- Miễn phí tư vấn từ các tư vấn viên chuyên nghiệp và tận tâm

- Miễn phí trải nghiệm trên những nền tảng ổn định của Vietcap

- Nhận các báo cáo phân tích chuyên sâu theo danh mục đầu tư

MỞ TÀI KHOẢN NGAY hôm nay và bắt đầu hành trình đầu tư của bạn.

Nguồn tham khảo bài viết:

Powered by Froala Editor