Khái niệm về tài sản và tiêu sản được Robert Kiyosaki nhắc tới lần đầu tiên trong cuốn sách vô cùng nổi tiếng của ông “Rich Dad, Poor Dad” (Bố giàu, Bố nghèo). Cuốn sách được xuất bản vào năm 2000 và đã nhận được sự đón nhận lớn cũng như truyền bá vô cùng rộng rãi bởi sự so sánh chính xác và thực tế. Robert Kiyosaki có nói: “Người giàu mua tài sản, người trung lưu mua tiêu sản mà họ nghĩ là tài sản, người nghèo chỉ toàn chi phí”. Vậy Tài sản là gì? Tiêu sản là gì? Tiêu sản và tài sản khác nhau như thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu ngay sau đây:

Tài sản và tiêu sản là gì?

Tiêu sản là gì? Phân biệt tài sản và tiêu sản? Sự khác biệt?

Theo Kiyosaki dạy rằng nếu bạn muốn trở nên giàu có, bạn chỉ cần dành cả đời để mua tài sản. Tài sản là bất cứ thứ gì đưa tiền vào túi của bạn, tạo ra lợi nhuận, làm cho thu nhập tăng lên. Tài sản có thể được mô tả là bất cứ thứ gì có giá trị kinh tế đồng thời có lợi ích trong tương lai. Tài sản có xu hướng tăng dần giá trị theo thời gian. Ví dụ bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản và doanh nghiệp, thời gian...

  • Cổ phiếu/quỹ đầu tư: Giá cổ phiếu, quỹ đầu tư hoặc thực tế là bất cứ thứ gì liên quan đến thị trường chứng khoán luôn thay đổi. Mặc dù có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, nhưng công bằng mà nói thì cổ phiếu hoặc đầu tư quỹ đã khiến nhiều người trở nên giàu có. Tài sản này tạo ra thu nhập dưới dạng cổ tức và gia tăng giá trị nếu cổ phiếu hoạt động tốt.
  • Trái phiếu/Tiền gửi cố định: Loại tài sản tạo ra lợi nhuận được đảm bảo và là một lựa chọn đầu tư an toàn. Trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và tiền gửi cố định ngân hàng là một số ví dụ không chỉ giảm thiểu rủi ro của thị trường chứng khoán mà còn có được lợi nhuận chấp nhận được. Điều này có tác động tích cực đến việc tạo ra của cải của bạn.
  • Bất động sản: Trong lịch sử, bất động sản đã được chứng minh là một trong những khoản đầu tư an toàn nhất vì khả năng tạo ra dòng tiền vô song thông qua tiền thuê cũng như sự tăng giá liên tục của nó.
  • Thời gian: Thời gian được coi là một trong những tài sản quan trọng và vô giá nhất mà bạn có thể sở hữu. Nó là thứ mà bất kỳ ai có nhiều tiền cỡ nào cũng không thể mua thêm vào. Do đó, sử dụng thời gian một cách thông minh là tài sản tốt nhất mà bạn có thể có, bạn hãy đầu tư thời gian đó vào việc nâng cao kỹ năng bản thân và sau đó bán những kỹ năng đó để tạo ra dòng tiền trong tương lai.

Tiêu sản là những thứ gì lấy tiền ra khỏi túi của bạn. Tiêu sản có thể được mô tả thẳng thừng là bất cứ thứ gì làm bạn mất tiền, chỉ làm tăng thêm chi phí cho bạn. Chúng bao gồm những món hàng xa xỉ, vay tín dụng, ô tô đắt tiền và kiểu tóc, cùng nhiều thứ khác. Khi tiêu tiền vào các tiêu sản, số tiền đã tiêu sẽ biến mất mãi mãi. Tiêu sản cũng có xu hướng làm bạn nghèo đi theo thời gian.

  • Ô tô hoặc phương tiện xa xỉ: Giá ô tô của bạn sẽ bắt đầu giảm ngay khi bạn mang nó ra khỏi showroom. Mặc dù một chiếc ô tô có thể được coi là một thứ cần thiết cho việc đi lại, nhưng điều quan trọng nó là một trong những món đồ dễ bị mất giá và tốn tiền các chi phí không thể tránh khỏi như bảo trì, chi phí bảo hiểm, sửa chữa, vay mua ô tô, v.v. Ngay cả sau khi phương tiện đó được thêm vào tài sản của bạn nhưng vẫn được coi là tài sản khấu hao.
  • Vay mua nhà: Mặc dù bất động sản được đề cập trong cột tài sản, nhưng nó có thể không đáng nếu bạn mua khi phải gánh những khoản nợ khổng lồ. Thông thường, thời hạn vay mua nhà dao động từ 15 đến 20 năm. Ví dụ: đối với khoản vay mua nhà trị giá 1 tỷ đồng với lãi suất 7,5% hàng năm, cuối cùng người mua sẽ phải trả hơn 75tr tiền lãi hằng năm và gần bằng chi phí mua nhà nếu tính tổng lãi trong 15-20 năm. Trớ trêu thay, bất động sản là một phần của tài sản cũng như tiêu sản. Do đó, trừ khi các khoản nợ được trả hết, bất động sản vẫn là một phần của tiêu sản.
  • Nợ thẻ tín dụng: Chi phí cao nhất trong số tất cả các tiêu sản là nợ thẻ tín dụng. Tuy nhiên, nó có thể tránh được nếu được lên kế hoạch hợp lý. Lãi suất thẻ tín dụng thuộc hàng cao nhất so với các ngân hàng khác. Do đó, bất kỳ khoản thanh toán nào hoặc thanh toán trễ nào cũng phải trả số tiền lãi khổng lồ. Thanh toán đầy đủ và kịp thời là hai lựa chọn duy nhất để tránh lãi suất thẻ tín dụng.

Bạn phải học sự khác biệt giữa tài sản và tiêu sản, và mua tài sản

Kiyosaki nói rằng hầu hết những người không có đủ kiến thức tài chính sẽ khó hiểu được sự khác biệt này. “Một tài sản sẽ cho tiền vào túi của bạn; tiêu sản sẽ lấy tiền ra khỏi túi của bạn.” Tài sản là những gì mà bạn bỏ tiền từ trong túi ra để sở hữu chúng, sau đó chúng mang tiền cho lại vào trong túi của bạn, và trong tương lai tiền của bạn sinh lời so với số tiền mà bạn đã bỏ ra ban đầu. Ví dụ bạn mua nhà và bán lại để hưởng phần giá trị tăng thêm hoặc dùng để cho thuê. Chênh lệch giữa tiền thuê nhà và chi phí là thu nhập ròng từ hoạt động kinh doanh và đó là dòng tiền chảy vào túi bạn mỗi tháng. Vì vậy, đó là một tài sản. Hoặc bạn mua xe và sử dụng xe vào mục đích kinh doanh, khoản thu nhập từ việc kinh doanh bù đắp chi phí hao tổn phát sinh và mang lại lợi nhuận cho chủ chiếc xe. Khi ấy chiếc xe là tài sản.

Ngược lại, khi bạn mua một căn nhà chỉ để ở, bạn sẽ phải trả tiền điện, nước, tiền mua sắm vật dụng trong nhà, tiền bảo trì sửa chữa nhà. Đồng thời, bạn cũng không có bất kỳ khoản thu nhập nào từ ngôi nhà đó. Căn nhà trong trường hợp này chính là một ví dụ về tiêu sản. Bạn mua một chiếc xe máy để sử dụng cho việc đi lại, và bạn còn phải tốn tiền bảo dưỡng xe, tiền xăng xe, tiền bảo hiểm, tiền phạt và chiếc xe không thể kiếm lại số tiền mà bạn đã bỏ ra cho nó. Như vậy, tiêu sản là những thứ bạn mất tiền mua nhưng sau đó lại phải tiếp tục chi thêm tiền cho các hoạt động duy trì khác.

Qua định nghĩa đơn giản và ví dụ thực tế trên, bạn sẽ hiểu được sự khác nhau to lớn giữa tiêu sản và tài sản. Kiyosaki cho rằng những người thực sự giàu có luôn hiểu điều này, trong khi những người khác có thể sẽ phải vật lộn với khó khăn tài chính cho đến khi hiểu sự khác biệt giữa tài sản và tiêu sản và tại sao điều này lại quan trọng.

  • Người giàu họ thường chọn mua những tài sản mang lại giá trị tương lai cho mình. Vì thế cho nên người giàu lại càng giàu hơn và khối lượng tài sản của họ ngày càng tăng lên.
  • Người trung lưu thường đưa ra lựa chọn mua nhà để ở, mua xe để đi và họ cho rằng căn nhà, chiếc xe đó là tài sản của họ. Nhưng đây thực sự là sai lầm, vì nó không phải là tài sản mà thật ra là tiêu sản.
  • Người nghèo (trong xã hội cũ thường gọi là người vô sản), họ dùng toàn bộ thu nhập khá ít ỏi để trang trải các chi phí sinh hoạt cho cuộc sống hằng ngày. Vì không có tiền dư hoặc tiền dư rất ít nên người nghèo không đủ khả năng để mua tài sản hoặc tiêu sản.

Có nhiều người nhầm lẫn giữa tài sản và tiêu sản dẫn đến hành vi tiêu tiền khác nhau. Thường thì những người kinh doanh, những người có tầm nhìn dài hạn, họ luôn muốn sở hữu càng nhiều tài sản càng tốt. Những tài sản này trở thành công cụ giúp họ kiếm tiền nhiều hơn, thậm chí là rất nhiều tiền. Và sau đó họ dùng khoản thu nhập do tài sản mang lại để tiêu sản vào các thứ xa xỉ. Tùy theo từng nhóm đối tượng sẽ có hành vi đầu tư tài sản hoặc tiêu sản khác nhau. Đây là điểm khác biệt chính có thể đánh dấu sự phát triển tài chính cá nhân của một cá nhân trong tương lai.

Nếu bạn muốn trở nên giàu có, hãy mua tài sản. Và ngược lại, nếu muốn trở nên nghèo đi, hãy mua tiêu sản.

Làm thế nào để bạn giảm sở hữu tiêu sản?

Để xây dựng sự giàu có và bền vững tài chính cho bản thân, bạn phải tập trung vào việc mua tài sản tạo ra dòng tiền. Tài sản sẽ thay bạn làm việc không ngừng kiếm tiền cho bạn. Khi bạn thực sự hiểu được tiêu sản là gì, mặc dù nhiều khoản tiêu sản thực sự cần thiết cho cuộc sống, nhưng tốt nhất hãy hạn chế tối đa sở hữu tiêu sản bằng cách sau:

Trở nên hiểu biết về tài chính. Một sự thay đổi trong suy nghĩ của bạn về tiền bạc có thể có tác động to lớn đến cuộc sống của bạn.

Bạn có thể tập thói quen thường xuyên giáo dục bản thân về tài chính ở bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời. Bản thân việc học về tài chính là một khoản đầu tư cần thiết cho tương lai tài chính của bạn. Do đó, trước khi đi đến phân tích thu nhập và chi phí của bạn, bạn phải là tìm hiểu cách đưa ra các quyết định tài chính đúng đắn.

Mức độ hiểu biết của bạn về các nguyên tắc tài chính cơ bản của lập ngân sách, tiết kiệm, nợ và đầu tư sẽ tác động đến mọi mặt trong cuộc sống của bạn và có thể tạo ra sự khác biệt giữa thịnh vượng hay nghèo đói.

Lập kế hoạch thu chi: bất kể người giàu, nghèo hay trung lưu đều có tiêu sản. Tiêu sản rất cần cho những nhu cầu bức thiết của cuộc sống như ăn, uống, nghỉ ngơi, tắm giặt,...Một cách để ngừng thêm tiêu sản của bạn là lập kế hoạch thu chi cá nhân. Bằng cách đó, bạn có thể thấy rõ thu nhập và chi phí của mình trong mỗi tháng. Nếu bạn đang chi tiêu nhiều hơn số tiền bạn kiếm được, bạn sẽ cần đưa ra quyết định về việc cắt giảm hoặc giảm chi phí ở đâu.

Để giữ tiêu sản không tích lũy một cách không cần thiết, hãy cân nhắc những thứ bạn sắp mua là cần thiết hay chỉ vì mong có nó. Để giảm chi tiêu không cần thiết và nợ nần, bạn nên tập trung vào những nhu cầu cấp thiết trước. (Hãy nhớ rằng bạn có thể hợp lý hóa một cách sai lầm mong muốn thành nhu cầu. Đôi giày trị giá 500 nghìn đồng đó đáp ứng nhu cầu về giày dép, nhưng một đôi rẻ hơn có thể vẫn phù hợp và giúp bạn đi đúng hướng về tài chính).

Hạn chế việc vay nợ và giảm nợ: Nếu bạn có nhiều khoản nợ và ít tài sản, việc kiếm đủ tiền có thể là một thách thức. Nếu bạn muốn giảm nợ, bước đầu tiên là ngừng tạo thêm nợ. Nếu bạn tiếp tục thêm nợ khi bạn đang trả hết nợ hiện có, bạn sẽ thấy mình trong một chu kỳ nợ tiếp theo và lặp lại vĩnh viễn.

Hãy xem các khoản nợ hiện tại của bạn và số tiền bạn phải trả mỗi tháng. Bạn có đủ khả năng để trả nhiều hơn mức tối thiểu mỗi tháng không? Nếu có thể, bạn hãy cố gắng hoàn trả các khoản nợ nhiều hơn và chấm dứt nó một cách nhanh nhất. Tập trung vào việc trả khoản nợ có lãi suất cao nhất trước tiên, lãi suất cao có thể khiến bạn mắc nợ lâu hơn.

Hạn chế sử dụng thẻ tín dụng vì khó kiểm soát dẫn đến việc chi tiêu quá đà và làm bạn không có đủ khả năng chi trả dẫn đến mắc nợ ngân hàng một số tiền lớn. Việc bạn trả nợ ngân hàng không đúng thời hạn còn phải chịu thêm một khoản lãi khá cao và việc cộng dồn lãi suất quá hạn sẽ khiến bạn càng khó hoàn trả hơn.

Tham khảo:

VCSC hy vọng đã chia sẻ với bạn một góc nhìn khác để phân biệt tài sản và tiêu sản của chính bạn. Tư duy khác biệt này có thể giúp ích cho bạn khi đứng trước những quyết định khó khăn về tiền bạc. Cảm ơn bạn vì đã đọc! Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích hãy chia sẻ với bạn bè và mọi người xung quanh bạn.

Powered by Froala Editor