Việc lập và công bố báo cáo tài chính của các doanh nghiệp là cần thiết đối với các doanh nghiệp để cung cấp thông tinh về tình hình liên quan đến hoạt động kinh doanh của mình. Tuy nhiên các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực/ngành nghề khác nhau có những đặc điểm riêng và do vậy BCTC sẽ được lập theo những quy định khác nhau để phù hợp với các thông tin liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp đó.

Tại sao báo cáo tài chính của ngân hàng (công ty bảo hiểm, chứng khoán) lại khác với các doanh nghiệp còn lại?

Các doanh nghiệp hiện nay có thể chia thành 2 nhóm khác nhau căn cứ vào lĩnh vực hoạt động:

(1) Nhóm Doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ và thương mại;

(2) Nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính.

Doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ và thương mại: nhóm doanh nghiệp này chúng ta có thể dễ dàng nhận ra hoạt động chủ yếu liên quan đến việc sản xuất ra các sản phẩm cụ thể mà người tiêu dùng cần đến như các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo, sắt thép, sữa… hay cung cấp các dịch vụ vận tải, bưu chính, viễn thông, giáo dục…Ngoài ra còn có doanh nghiệp thương mại, hoạt động của loại hình doanh nghiệp này là mua hàng hóa, dịch vụ từ nhà sản xuất sau đó bán lại cho người tiêu dùng, điển hình là các siêu thị hay cửa hàng tiện lợi. Hiện nay, theo quy định các doanh nghiệp này được lập theo mẫu quy định tại thông tư 200/2014/TT-BTC về hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp. Tham khảo nội dung thông tư tại đây

Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính: nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tập trung vào 3 mảng chủ yếu: hoạt động kinh doanh ngân hàng thương mại [1] (các ngân hàng thương mại), hoạt động kinh doanh chứng khoán (công ty chứng khoán) và hoạt động kinh doanh bảo hiểm (công ty bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ). Ngay cả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính cũng có sự khác biệt rất lớn, do đó biểu mẫu cũng như nội dung trên BCTC cũng được trình bày khác nhau theo quy định của cơ quan quản lí.

- Tham khảo mẫu BCTC của ngân hàng tại đây

- Tham khảo mẫu BCTC của công ty chứng khoán tại đây

- Tham khảo mẫu BCTC của công ty bảo hiểm tại đây

Xem lại: Hướng dẫn đọc và hiểu báo cáo tài chính doanh nghiệp

Tại sao không áp dụng một mẫu báo cáo tài chính chung cho tất cả các doanh nghiệp?

BCTC là một tài liệu quan trọng cho nhà đầu tư tìm hiểu và phân tích các thông tin liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Như đã trình bày trên đặc điểm hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp không hoàn toàn giống nhau, do đó phải có những mẫu báo cáo tài chính khác nhau để thể hiện đầy đủ các thông tin đặc thù trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Có thể áp dụng một phương pháp phân tích/đánh giá chung cho việc phân tích BCTC tất cả các doanh nghiệp?

Nhà đầu tư không nên áp dụng máy móc một phương pháp phân tích/đánh giá khi phân tích BCTC của doanh nghiệp. Ví dụ, khi phân tích BCTC của doanh nghiệp SXKD, nhà đầu tư tính tỷ số nợ/vốn Chủ sở hữu, tỷ số này càng cao thể hiện công ty đang gia tăng vay nợ do đó tiềm ẩn rủi ro cao. Tuy nhiên, đối với các ngân hàng thương mại, quy mô vốn chủ sở hữu thưởng nhỏ hơn rất nhiều so với nợ (chủ yếu là tiền gửi của khách hàng, khoản mục này được ghi nhận vào nợ phải trả của ngân hàng) và điều này là bình thường.

Phân tích BCTC các doanh nghiệp khác nhau cần lưu ý điều gì?

Khi phân tích BCTC của các doanh nghiệp khác nhau, nhà đầu tư cần lưu ý một số vấn đề sau:

- So sánh các chỉ tiêu kỳ phân tích so với các kì liền để thấy sự thay đổi (tốt lên hoặc xấu đi) trong chính doanh nghiệp.

- So sánh chỉ tiêu phân tích với chỉ tiêu của các doanh nghiệp cùng ngành/lĩnh vực hoạt động, cũng như chỉ số bình quân ngành, và dĩ nhiên nhà đầu tư không thể lấy chỉ tiêu của một doanh nghiệp sản xuất thép với một ngân hàng thương mại!

- Đánh giá xem chỉ tiêu mà nhà đầu tư đang phân tích của doanh nghiệp có sự vượt trội bền vững hay không? Nếu sự vượt trội bền vững và giá cổ phiếu không quá cao thì theo Warren Buffett đây là một cổ phiếu thượng hạng, rất đáng để đầu tư

[1] Ngân hàng thương mại là một phần trong nhóm các tổ chức tín dụng, nhóm này còn bao gồm công ty cho thuê tài chính, công ty tài chính, các tổ chức tín dụng vi mô và quỹ tín dụng nhân dân. Hiện nay ở Việt Nam, Trong nhóm các TCTD thì chủ yếu chỉ có các ngân hàng được niêm yết trên sàn chứng khoán

Powered by Froala Editor